Khoa học, công nghệ nói chung và công nghệ 4.0 hiện nay sẽ là đòn bẩy hiệu quả cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và thế giới. Theo đó, đây là thời điểm hội tụ những yếu tố cần thiết và cấp thiết để Việt Nam, cũng như địa phương và doanh nghiệp bứt phá trong tư duy, mạnh mẽ trong hành động thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới đạt được các giá trị bền vững.
Bệ đỡ từ công nghệ 4.0
Đại dịch COVID-19 kéo dài gần 3 năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế. Trước bối cảnh này, công nghệ số, chuyển đổi số được kỳ vọng là "cứu cánh" và sẽ giúp cho các quốc gia, địa phương và doanh nghiệp tối ưu hóa được hiệu suất, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả hoạt động và quản trị hệ thống... Thông qua đó, các quốc gia, địa phương và doanh nghiệp sẽ tiết giảm đáng kể sự lãng phí nguồn lực, tác động xấu tới môi trường tự nhiên.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, chiến lược và mô hình phát triển của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi khi đại dịch đang làm bộc lộ rõ hơn tính thiếu bền vững và bền bỉ trong mô hình sản xuất và tiêu dung hiện tại. Mặc dù vậy, toàn cầu hóa 4.0 với đặc trưng là tiến bộ công nghệ lại mở ra những cơ hội phát triển chưa từng có.
Hầu hết quốc gia đều có nhu cầu tìm kiếm mô hình quản trị phù hợp với bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu chống chịu và đổi mới sáng tạo để vượt qua khủng hoảng. Nhiều nước đã và đang điều chỉnh mục tiêu phát triển theo hướng bền vững và từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng trưởng xanh trở thành những thành tố quan trọng trong hoạch định chiến lược của cácquốc gia, địa phương và doanh nghiệp.
Riêng đối với một nền kinh tế có độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu như Việt Nam, trong giai đoạn 10 năm tới đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đồng thời phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu. Cụ thể, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ ban hành ngày 30/1/2022 cũng khẳng định quyết tâm phát triển một “nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững”. Song hành để thực hiện những mục tiêu này, là ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, với trọng tâm là đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học – công nghệ.
Với những cơ sở trên, một số chuyên gia đánh giá, Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và tổ chức quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, nếu nhìn nhận nguồn lực quốc gia theo tư duy và cách tiếp cận mở, cần phải gắn nguồn lực trong nước với nguồn lực ngoài nước, kết hợp hài hòa nội lực và ngoại lực.
Cơ hội dẫn dắt từ FDI
Liên quan đến vấn đề tiếp cận đặt bài toán kinh tế, giải bài toán đầu tư về chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, cần lấy ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp làm hạt nhân. Những đối tượng này, phải được được xem là trung tâm và động lực của chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó khối doanh nghiệp FDI, những tập đoàn đa quốc gia có khả năng dẫn dắt xu hướng chuyển đổi xanh, giúp Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu.
Ông Phan Xuân Dũng phân tích, khi những nguồn lực trong nước còn hạn chế, khả năng đầu tư chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dù đang nỗ lực nhưng vẫn còn thấp thì tận dụng cơ hỗ hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp FDI là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Sự hỗ trợ của đối tác quốc tế và tiên phong của doanh nghiệp FDI trong xu thế chuyển đổi xanh sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, địa phương và Việt Nam đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi xanh, bắt nhịp với thế giới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông Bruce Delteil, Giám đốc điều hành McKinsey & Company khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, hiện nay phi carbon hóa là một ưu tiên đối với Việt Nam, bởi biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Việt Nam đã có lộ trình để đạt đến trạng thái phát thải ròng bằng 0 ở năm 2050 thông qua một nỗ lực liên ngành, huy động sự tham gia của toàn xã hội.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực nên được chú trọng đặc biệt như năng lượng điện, điện khí hóa phương tiện giap thông đường bộ... Những lĩnh vực này đã có nhiều bước tiến, cũng như đội ngũ tiên phong, nhưng cần hơn nữa sự nỗ lực phối hợp giữa tất cả ngành trong việc thực hiện những đòn bẩy quan trọng như đường sắt cao tốc, giao thông công cộng và chuyển đổi sang sản xuất chế tạo tiên tiến.
Đồng quan điểm, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia đầu tiên tuyên bố rất mạnh mẽ về mục tiêu môi trường, với hành trình xanh hóa nền kinh tế đã được khoảng 13 năm. Vấn đề hiện nay, là làm sao Việt Nam thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, chuyển hóa rác thải thành năng lượng...
Mặc dù đạt nhiều kết quả, nhưng Việt Nam nói riêng, toàn cầu nói chung còn nhiều việc phải làm trên hành trình xanh hóa nền kinh tế. Việt Nam không phải nước gây ô nhiễm nhất nhưng không thể không hành động ngay, trong đó tận dụng kinh nghiệm của một số nước đi trước, cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam... để thúc đẩy mục tiêu cacbon bằng "0".
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, doanh nghiệp hiểu rõ chuyển đổi xanh là vấn đề lớn của xã hội và có ảnh hưởng lớn tới tất cả quốc gia. Đây là vấn đề bức thiết cần cách tiếp cận khoa học và công nghệ là công cụ quan trọng để giúp các quốc gia, địa phương và doanh nghiệp chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi xanh.
Chính vì vậy, Qualcomm đã đưa mục tiêu giảm tiêu thụ điện cho sản phẩm như nền tảng chip dùng trên smartphone và IoT. Đồng thời, áp dụng tất cả biện pháp để giảm tiêu thụ tại tất cả cơ sở sản xuất, làm việc với các nhà cung ứng để họ thực hiện chuyển đổi xanh có lộ trình...
Vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay, là huy động được nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang làm việc với đa dạng nhà tài trợ để tìm cách khơi thông nguồn lực này thông qua cơ chế chính sách của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất cần đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau", cân bằng giữa các vùng miền, khu vực công nghiệp phát thải...
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, danh mục xanh sẽ được ban hành vào cuối năm 2022 để doanh nghiệp thực hiện và đạt tiêu chí xanh mới tiếp cận được nguồn trái phiếu xanh… Năm 2023, Việt Nam cũng dự kiến ban hành chương trình quốc gia về kinh tế tuần hoàn, giảm tiêu dùng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt nguyên liệu hóa thạch, đảm bảo kéo dài vòng đời sản phẩm, không gây nguy hại cho môi trường.
Ngoài ra, các bộ, ngành phải lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch chiến lược của địa phương; còn doanh nghiệp lồng ghép vào chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thậm chí tái khai thác chất thải. Chính sách của Việt Nam đã quy định rất rõ, trong thời gian tới sẽ tập trung vào năng lượng, chất thải điện tử, giảm giải chất thải nhựa. Đó là những ưu tiên hàng đầu.
Mỹ Phương