Chung tay gìn giữ ngôn ngữ cội nguồn (Bài 2)

Chung tay gìn giữ ngôn ngữ cội nguồn (Bài 2)
Bài 2 (tiếp theo và hết): Người Việt ở đâu, tiếng Việt ở đó
Trước nguyện vọng của kiều bào, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài duy trì, củng cố và phát triển tiếng Việt.
Trẻ em Việt kiều đọc thơ tiếng Việt tại buổi gặp mặt mừng xuân Mậu Tuất 2018 tại London, Anh. Ảnh: TTXVN
Trẻ em Việt kiều đọc thơ tiếng Việt tại buổi gặp mặt mừng xuân Mậu Tuất 2018 tại London, Anh. Ảnh: TTXVN

Trong đó, các ban, ngành hữu quan nỗ lực tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tích cực dạy và học tiếng Việt; vận động chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học tiếng Việt; hỗ trợ bà con Việt kiều về tài liệu, sách giáo khoa dạy tiếng Việt; bồi dưỡng giáo viên...
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giảng dạy ngôn ngữ, yếu tố gia đình và cộng đồng mới quyết định đến hiệu quả hoạt động gìn giữ và truyền bá tiếng Việt tại nước ngoài. Ông Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch Hội các nhà ngôn ngữ học Việt Nam, Tổng Thư ký Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, vai trò gia đình và cộng đồng đặc biệt quan trọng trong hoạt động dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài. Giáo trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài phải sinh động, gần gũi với cuộc sống và gắn với các yếu tố văn hóa dân tộc.
 
Có chung quan điểm, ông Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa Việt Nam học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, gia đình, đặc biệt là người mẹ giữ vai trò rất quan trọng trong gìn giữ, phát triển ngôn ngữ. Vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng tài liệu hướng dẫn phụ huynh dạy tiếng Việt tại nhà cho trẻ.
 
Theo ông Nam, cần thay đổi tư duy, xác định bản chất dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài là dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, để xây dựng sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho phù hợp. Việc dạy tiếng Việt là một nghề, nhưng cũng là một khoa học ngôn ngữ, nên các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài không chỉ cần yêu nghề mà phải có đủ kiến thức, phương pháp khoa học phù hợp với đặc trưng ngôn ngữ của tiếng bản địa.
 
Sau nhiều năm đứng lớp dạy tiếng Việt, ông Samsak Suksan (Phạm Xuân Phần), Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào-Việt tại Viêng Chăn (Lào) cho rằng, để dạy tốt tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài hay con em người nước ngoài cần phải có những giáo viên có trình độ sư phạm và giỏi tiếng Việt. Bên cạnh đó, cần có giáo trình phù hợp và cơ sở hạ tầng phục vụ học tập phải tương đối đầy đủ.
 
Theo Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, tính đến nay, các bộ, ngành chức năng đã biên soạn và chuyển đến kiều bào 60.000 bộ sách giáo khoa “ Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”, hàng chục ngàn đầu sách tiếng Việt; tổ chức 4 khóa tập huấn thường niên cho các giáo viên kiều bào; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các địa bàn đặc thù như Campuchia, Lào; tổ chức 15 “Trại hè Việt Nam” cho thế hệ trẻ Việt kiều về nước giao lưu tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa dân tộc...
 
Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, để làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác gìn giữ và truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất cần sự quan tâm hỗ trợ của tất cả các ban ngành của Nhà nước. Đặc biệt, trong các hoạt động liên quan đến việc chuẩn hóa chương trình giảng dạy; xây dựng bộ sách giáo khóa cơ bản với nội dung sinh động lồng ghép các yếu tố văn hóa dân tộc; tổ chức nhiều hơn chương trình bổ trợ nâng cao trình độ giáo viên dạy tiếng Việt.
 
Theo ông Nguyễn Phú Bình, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài sẽ cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài vận động cộng đồng kiều bào tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ từ trong nước, nêu cao truyền thống hiếu học, tự giác và tích cực khuyến khích thế hệ trẻ học và thực hành tiếng Việt bên cạnh hoàn thiện ngôn ngữ nước sở tại; tích cực tham gia các chương trình văn hóa cộng đồng có sử dụng ngôn ngữ Việt ở nước sở tại.
 
Là một trong những cơ quan chủ đạo thực hiện Đề án “nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2018 sẽ triển khai việc xây dựng chương trình dạy và học tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt 6 bậc; nâng cấp bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”; tiếp tục tổ chức bồi dưỡng giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng cổng thông tin điện tử dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
 
Trong năm 2018, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ tiếp tục triển khai chương trình “Trại hè Việt Nam”; tổ chức tập huấn giáo viên dạy tiếng Việt ngay tại địa bàn (Đài Loan, Thái Lan); ổn định nguồn kinh phí cho giáo viên, hỗ trợ tình nguyện viên và ưu tiên các địa bàn khó khăn như Campuchia, Lào...
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị cho biết, năm 2018, Ủy ban và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan đại diện ở nước ngoài, các hội đoàn để tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động bà con tích cực dạy và học tiếng Việt, vận động mở lớp học tiếng Việt; vận động chính quyền các nước sở tại tạo điều kiện cho các cơ sở dạy tiếng Việt của kiều bào, từng bước đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục nước sở tại; hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và mở các lớp tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài...
 
Sự chung tay của các tổ chức, bộ, ngành của Nhà nước Việt Nam cùng ý thức tích cực và nỗ lực hành động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang mở ra những cơ hội mới đầy triển vọng cho hoạt động gìn giữ và truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào.

Những hạt mầm “tiếng Việt” được ươm trong giới trẻ kiều bào hôm nay sẽ mang đến những trái ngọt ngày mai của những tâm hồn Việt, những trái tim Việt luôn hướng về cội nguồn “đất Mẹ”./.
        Xuân Khu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm