Chung tay bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống

Nhiều năm qua, thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ cộng đồng vùng đệm, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc ở vùng này, cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ rừng đại ngàn, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, giàu đẹp...

7-khu bao ton thien nhien Pu Huong-van ty.JPG
Lực lượng kiểm lâm Trạm quản lý bảo vệ rừng Bình Chuẩn (Hạt kiểm lâm Pù Huống thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) trên đường tuần tra rừng. Ảnh: Xuân Tiến

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Huống thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007.

Khu BTTN Pù Huống có diện tích gần 46.500 ha, trong đó có hơn 40.150 ha rừng đặc dụng, 6.060 ha rừng phòng hộ, hơn 210 ha rừng sản xuất. Nơi đây có gần 570 loài động vật, hơn 1.800 loài thực vật, nhiều loài trong đó nằm trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ về tình trạng bảo tồn, đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới (Sách đỏ IUCN)…

Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống cho biết: “Vùng đệm Khu BTTN Pù Huống trải rộng trên 125 bản của 15 xã thuộc 5 huyện: Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu; dân số khoảng 50.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Do kinh tế phụ thuộc nhiều vào trồng trọt, chăn nuôi và rừng nên rừng đặc dụng có nguy cơ cao bị xâm hại, tạo sức ép không nhỏ đến công tác quản lý và bảo vệ rừng”.

9-khu bao ton thien nhien Pu Huong-van ty.JPG
Đồng bào dân tộc ở xã Xiêng My, huyện Tương Dương (Nghệ An) ký cam kết bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Ảnh: Xuân Tiến

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng đệm, góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng, đất rừng, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống đã tích cực tìm nguồn tài trợ cho các dự án nhằm hỗ trợ đồng bào phát triển các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế. Đến nay, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống đã triển khai thực hiện các dự án như: Dự án bảo vệ rừng và quản lý lưu vực sông tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2002 - 2005 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch - DANIDA tài trợ; Dự án nâng cao năng lực tiến tới thực thi cơ chế đồng quản lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh huyện Quỳ Hợp, giai đoạn 2007 - 2009 do Chương trình dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ; Dự án quản lý, bảo vệ rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2008 - 2010, giao khoán một số diện tích rừng khu bảo tồn cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ và hưởng lợi theo chính sách bảo vệ rừng 661… Giai đoạn 2002 - 2022, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống tổ chức giao khoán gần 114.230 ha cho người dân vùng đệm với tổng kinh phí chi trả hỗ trợ gần 30 tỷ đồng và triển khai chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg được gần 2.330 ha với tổng kinh phí hỗ trợ 5,34 tỷ đồng… Từ sự hỗ trợ này, đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng đệm Khu BTTN Pù Huống đã nêu cao ý thức trách nhiệm, chấp hành tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây ăn quả, dược liệu…, qua đó cuộc sống dần đổi thay, diện mạo bản làng có nhiều khởi sắc.

15-khu bao ton thien nhien Pu Huong-van ty.JPG
Những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Ảnh: Xuân Tiến
14-khu bao ton thien nhien Pu Huong-van ty.jpg
Vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái với đời sống văn hóa bản làng gắn liền với sinh cảnh rừng. Ảnh: Xuân Tiến

Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống cho biết thêm: “Công tác quản lý, bảo vệ rừng chủ yếu dựa vào cộng đồng. Để bảo vệ rừng tốt hơn, cán bộ kiểm lâm phải thường xuyên bám rừng, bám dân; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, góp phần nâng cao đời sống đồng bào, từ đó giúp đồng bào thay đổi nhận thức, chấp hành tốt công tác gìn giữ, bảo vệ rừng”.

Văn Tý

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm