Năm 2021, Bình Thuận đặt ra mục tiêu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đảm bảo đồng bộ, hiện đại các công trình hạ tầng thiết yếu và tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, đưa thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 48,9 triệu đồng/người/năm.
Nhiều cơ sở giáo dục được cải tạo khang trang. Nguồn : baobinhthuan.com.vn
Để đạt được những mục tiêu trên, năm 2021, tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia nhiệt tình của người dân vào xây dựng nông thôn mới; xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị của địa phương và là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của các cơ quan, đơn vị.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân, các địa phương tiếp tục rà soát từng mục tiêu, tiêu chí để có kế hoạch, lộ trình nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn như nâng cao thu nhập; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn…
Tỉnh Bình Thuận cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn được xem là giải pháp trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân. Trong năm 2021, Bình Thuận tập trung phát triển kinh tế nông thôn, trong đó lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận (OCOP) với mục tiêu giai đoạn 2020-2025 có từ 3 - 5 sản phẩm OCOP được công nhận 5 sao cấp quốc gia; 100 sản phẩm 3 - 4 sao cấp tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn, tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp… tạo tiền đề cho phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá ở các vùng nông thôn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2020, Bình Thuận có 65/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 69,9%), vượt 15 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài huyện Phú Quý được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Đức Linh và thành phố Phan Thiết đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Từ hiệu quả thực tiễn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang từng bước khẳng định là một cuộc “cách mạng” mang tới nhiều đổi thay tích cực cho những vùng nông thôn ở Bình Thuận. Nhờ lồng ghép các nguồn vốn từ nhiều chương trình, tỉnh đã huy động nguồn lực từ xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; kêu gọi nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất…, xây dựng hạ tầng đồng bộ với tổng kinh phí hơn 163 tỷ đồng.
Nhiều mô hình sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… được hình thành, bước đầu xác định và tập trung phát triển cây trồng, con nuôi chủ lực. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn từ 32,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2016 lên 44,9 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2020.
Hồng Hiếu