Trước tình hình bệnh tiêu chảy đang xảy ra trên đàn bò sữa nuôi tại 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng), ngày 8/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông tin chính thức cung cấp cho các cơ quan báo chí. Sở cho biết nguyên nhân chính sẽ được thông báo chính thức sau khi Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng các cơ quan chức năng có kết quả kiểm tra lâm sàng, điều tra dịch tễ, mổ khám, xét nghiệm các mẫu thu thập và kiểm định chất lượng vaccine.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thông tin, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa nuôi tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng xảy ra từ ngày 26/7/2024. Lũy kế đến 9h ngày 8/8 đã có 3.703 con bê, bò sữa của 163 hộ thuộc 5 xã ở 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng bị bệnh. Cụ thể là các xã Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra thuộc huyện Đơn Dương và Hiệp Thạnh thuộc huyện Đức Trọng. Trong số đó số bò bị chết là 101 con tại 39 hộ; huyện Đơn Dương chết 76 con; huyện Đức Trọng chết 25 con.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhận định nguyên nhân ban đầu qua kiểm tra lâm sàng, ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết tại địa bàn huyện Đơn Dương và Đức Trọng mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bỏ giảm sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục... tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây rối loạn đường tiêu hóa. Trong thời gian tới, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa có thể tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn huyện Đơn Dương, Đức Trọng và các địa phương khác.
Theo ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay khi nhận được báo cáo, ngày 30/7 lãnh đạo Sở đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp với Trung tâm nông nghiệp huyện Đơn Dương, UBND xã để kiểm tra cụ thể tình hình bệnh trên đàn bò sữa.
Trong thời gian từ ngày 31/7 đến 7/8, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp với Trung tâm nông nghiệp 2 huyện Đơn Dương, Đức Trọng cùng UBND các xã Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra và xã Hiệp Thạnh kiểm tra cụ thể tình hình bệnh trên đàn bò sữa; đồng thời, tổ chức họp dân để nắm bắt tình hình, hướng dẫn các hộ chăn nuôi triển khai một số biện pháp phòng chống bệnh trên đàn bò sữa; kiểm tra tình hình dịch bệnh thực tế và hỗ trợ người chăn nuôi tại các xã của Đơn Dương và Đức Trọng.
Ngày 6/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 6646/UBND-NN chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Thú y khẩn trương định nguyên nhân xảy ra bệnh bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa để hướng dẫn giải pháp phòng chống bệnh hiệu quả; đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện Đơn Dương và Đức Trọng triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa, không để tiếp tục lây lan diện rộng. Tiếp đó ngày 7/8, UBND tỉnh ra tiếp Văn bản số 6710/UBND-NN về việc tiếp tục triển khai các giải pháp phòng bệnh tiêu chảy trên đàn bò.
Lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tạm dừng việc tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh để tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân dân bò sữa bị tiêu chảy; khuyến cáo một số biện pháp điều trị và hộ lý chăm sóc bò bị tiêu chảy để khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp điều trị triệu chứng bò bị tiêu chảy và các bệnh kế phát như tăng cường sức đề kháng, bổ sung Vitamin C, K, truyền dịch, hạ sốt thay đổi thức ăn thô xanh, kháng sinh...
Cùng với đó, các địa phương có bò bị bệnh cấp hóa chất để thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống bệnh và định kỳ đợt III/2024 trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, huy động toàn bộ lực lượng làm công tác thú y tại các xã, Trung tâm nông nghiệp huyện, cán bộ kỹ thuật của cơ quan chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở để kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh và hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa để điều trị kịp thời.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cùng các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh tiêu chảy trên đàn trâu bò, nhất là đàn bò sữa và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi, kịp thời khống chế không để phát sinh thêm và lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp với Cục Thú y và các cơ quan chuyên môn điều tra dịch tễ, lấy mẫu kiểm tra, phân tích xác định nguyên nhân gây bệnh để có giải pháp điều trị bệnh hợp lý. Thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày kịp thời, chính xác để có chỉ đạo và phòng, chống bệnh hiệu quả.
Hiện nay, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang phối hợp với địa phương kiểm tra lâm sàng, điều tra dịch tễ, mổ khám và kiểm định chất lượng vắc xin. Sau khi có kết quả xác định nguyên nhân gây bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ hoặc bồi thường theo quy định…
Trước đó ngày 7/8, phóng viên TTXVN đã có bài viết “Tìm nguyên nhân bò chết hàng loạt ở Lâm Đồng”. Nội dung phản ánh trong 1 tuần qua, hàng trăm hộ dân ở vùng bò sữa Lâm Đồng thuộc 2 huyện Đức Trọng - Đơn Dương đang vô cùng lo lắng bởi hàng nghìn con bò mắc bệnh, nhiều con đã chết. Đáng chú ý, chỉ đàn bò của những hộ dân đã tiêm vaccine viêm da nổi cục mới bị mắc cùng triệu chứng tiêu chảy nhiều ngày rồi chết. Trong khi đàn bò của những hộ chăn nuôi chưa tiêm loại vaccine này lại không xảy ra bất kỳ triệu chứng gì.
Sáng ngày 8/8 tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, phóng viên TTXVN chứng kiến bò của hàng chục hộ dân ở thôn Lạc Trường vẫn chết hàng loạt. Người dân hoang mang vì chưa được hướng dẫn cách điều trị. Trong khi lực lượng nhân viên thú y do người dân tự thuê về điều trị cho đàn bò của gia đình đã kiệt sức, không đảm đương nổi khối lượng công việc quá lớn.
Đáng chú ý, số lượng bò chết quá nhiều không có nơi để tiêu hủy, có gia đình đã phải xẻ thành tảng và chôn ngay cạnh vườn nhà, gây ô nhiễm môi trường. Tại xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) đang có thông tin bò của đồng bào dân tộc thiểu số cũng phát bệnh và bắt đầu chết hàng loạt sau khi tiêm vaccine trong mấy ngày qua.…
TTXVN tiếp tục bám sát để thông tin về sự việc.
Chu Quốc Hùng