Ngày 18/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai gửi công văn số 475/VPTT tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Sớm khắc phục hậu quả, ứng phó với tình hình mưa lũ
Từ ngày 15/10 đến nay, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 300-600 mm, có nơi trên 700 mm; gây lũ lớn trên diện rộng, trong đó một số sông lũ trên mức báo động 3 (sông Kiến Giang tỉnh Quảng Bình; sông Vu Gia, Thu Bồn tỉnh Quảng Nam; sông ĐắkBla tỉnh Kon Tum); trên 80 xã, phường vùng trũng thấp, ven sông bị ngập lụt, chia cắt.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ chiều 18 đến sáng 19/10, khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50 mm, có nơi trên 80 mm; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, dông, lốc, sét cấp 1.
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất của nhân dân, đồng thời chuẩn bị ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện số 1388/CĐ-TTg ngày 17/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương cần khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, tập trung vào một số nội dung như: Xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; hỗ trợ người dân từ nơi sơ tán trở về nhà; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp. Trong đó lưu ý tiếp tục triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là kiểm soát chặt chẽ tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tổ chức thu dọn vệ sinh ngay khi lũ rút và đảm bảo an toàn khi cấp điện trở lại; kiểm tra, rà soát lại các phương án để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp có thể xảy ra trong những ngày tới; đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, nhất là các hồ đã đầy nước, các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công dở dang và đảm bảo an toàn dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường thông tin cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lũ, ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh; tăng cường công tác trực ban ở tất cả các cấp để theo dõi nắm bắt chặt chẽ diễn biến thiên tai, thiệt hại để triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả; thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
Nhiều địa phương thiệt hại vì mưa lũ
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, đến sáng 18/10, tỉnh Quảng Bình có hai người mất tích, toàn tỉnh có 25 thôn, bản bị ngập lụt chia cắt; 24 xã với hơn 1.300 hộ dân bị ngập từ 0,2 đến 1,3m. Huyện Lệ Thủy có 5 nhà bị hư hỏng, 4 nhà bị tốc mái, trong đó 2 nhà bị tốc mái nặng, 1 nhà bị sập hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lũ khiến hàng chục tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở và chia cắt; tuyến kè biển Nhật Lệ bị sóng đánh vỡ 300m; tuyến kè biển Nhân Trạch bị sập 50m….
UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công điện về việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông; dự kiến di dời dân trong trường hợp trên báo động 3. Toàn tỉnh có 18.967 hộ với 65.893 người cần di dời (trong đó: di dời xen ghép 13.520 hộ với 50.790 khẩu; di dời tập trung: 5.447 hộ/15.103 khẩu); có 43 điểm nguy cơ sạt lở cao ở 7 huyện, thị xã, với tổng số 618 hộ và 2.364 khẩu cần phải di dời. Hiện, tỉnh Quảng Bình đã di dời được 136 hộ với 542 khẩu và 25 công nhân tại công trường thủy điện La Trọng...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 15-16/10, địa bàn huyện Ea Súp, Ea H’leo có mưa to, gây ngập lụt cục bộ và thiệt hại. Tại huyện Ea Súp, lực lượng bộ đội biên phòng đã kịp thời ứng cứu 16 người dân bị cô lập; di dời 29 hộ ở xã Ea Bung và xã Ia Lốp bị ngập đến nơi an toàn. Tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk phối hợp với chính quyền địa phương di dời 6 hộ có nhà bị ngập đến nơi an toàn. Mưa lũ khiến huyện Ea Súp thiệt hại khoảng 1.873 ha lúa, hoa màu, 11,9 ha ao cá, 918 con gia súc gia cầm. Huyện Ea H’leo có khoảng 60 ha cây trồng các loại bị ngập. Mưa lũ làm nhiều tuyến đường giao thông liên xã của huyện Ea Súp bị ngập nặng, gây cô lập nhiều khu dân cư. Nhiều điểm trên tuyến đường tỉnh lộ 1, 3, 10, 13 và 15 bị ngập và hư hỏng gây khó khăn trong lưu thông.
Tại tỉnh Đắk Nông, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Bùi Ngọc Sơn cho biết, đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng trong các ngày qua đã gây thiệt hại nặng trên địa bàn. Xã Đắk Nang xảy ra sạt lở khoảng 1.500 m2 thuộc khu dân cư của 2 thôn Phú Thịnh và Phú Tân khiến 11 hộ dân bị ảnh hưởng; hơn 41 ha cây trồng, hoa màu bị ngập úng; cầu qua suối Đắk Sôr, xã Đắk Sôr ngập khoảng 70 cm, nước chảy xiết, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 300 hộ dân; đoạn qua suối Đắk Nang khu vực giáp bờ sông Krông Nô sạt lở khoảng 3m… Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị sạt lở, gây gián đoạn giao thông. Tuyến Quốc lộ 28, đoạn qua thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú có hai đoạn bị ngập nước, tổng chiều dài bị ngập khoảng 110m. Tuyến tỉnh lộ 4B đoạn qua xã Quảng Phú có hai điểm sạt lở mái ta luy dương.
Hiện mực nước sông suối, ao hồ trên địa bàn huyện đang có chiều hướng dâng cao. Dự báo trong thời gian tới nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài có thể gây ra ngập lụt trên diện rộng. Một số vị trí trên tuyến tỉnh lộ 4B tại xã Quảng Phú có nguy cơ cao sạt lở, đá lăn xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông.
Huyện Krông Nô đã chỉ đạo, huy động lực lượng kiểm tra, vận động các hộ dân trong khu vực bị sạt lở tạm thời di dời để đảm bảo an toàn; đồng thời thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại do mưa lũ để có các biện pháp hỗ trợ người dân. Tại các khu vực bị ngập lụt, lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo và trực chốt, thông báo cho người dân.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, lũ trên các sông chính gồm: Thạch Hãn, Ô Lâu, Sông Hiếu, Bến Hải đang xuống sau khi đạt đỉnh lũ vào đêm 17/10 từ trên báo động 1 đến dưới báo động 3. Tuy nước lũ trên các sông đang xuống nhưng ở vùng thấp trũng, ven sông vẫn còn ngập lụt khiến giao thông bị chia cắt. Lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm một người mất tích (anh Hồ Văn Diên, sinh năm 2000, trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua tràn thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông) tối 16/10.
Tính đến ngày 18/10, tỉnh Quảng Trị đã di dời 267 hộ dân với 1.416 nhân khẩu ở khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn. Toàn tỉnh đã có 845 nhà dân bị ngập, trong đó huyện Đakrông có 37 nhà; thành phố Đông Hà 808 nhà. Bờ sông Hiếu đoạn qua thôn Mộc Đức, xã Cam Hiếu bị sạt lở dài 100m. Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Đại Thượng Hạ, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong bị sạt lở dài 1.000m. Bờ sông Bến Hải thuộc huyện Gio Linh bị sạt lở dài khoảng 30m. Một số nhà dân ở huyện Hướng Hóa và phòng học, trạm y tế ở huyện Triệu Phong bị tốc mái hư hỏng; trên 12ha ao nuôi trồng thủy sản bị ngập, 7ha rau màu bị thiệt hại.
Hoàng Nam