Chủ động ứng phó dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 ở khu vực nguy cơ

Người dân đến tiêm vaccine phòng COVID-19 tại điểm tiêm chủng quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Người dân đến tiêm vaccine phòng COVID-19 tại điểm tiêm chủng quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 27/10 đến 17 giờ ngày 28/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.892 ca mắc mới, trong đó 16 ca nhập cảnh và 4.876 ca ghi nhận trong nước (tăng 472 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố; có 1.980 ca trong cộng đồng.

Chủ động ứng phó dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 ở khu vực nguy cơ ảnh 1 Người dân đến tiêm vaccine phòng COVID-19 tại điểm tiêm chủng quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó gồm Bạc Liêu (242 ca), Đắk Lắk (174 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (71 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó là Đồng Nai (246 ca), Hà Giang (165 ca), Bình Dương (97 ca).

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.980 ca/ngày.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 905.477 ca mắc, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.193 ca mắc). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 900.669 ca, trong đó có 811.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 28/10 là 1.649 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi là 813.963 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.687 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 27/10 đến 17 giờ 30 ngày 28/10 ghi nhận 54 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (25 ca), Bình Dương (6 ca), Tiền Giang, Long An, Tây Ninh (mỗi địa phương 4 ca), Đồng Nai (3 ca), Sóc Trăng (2 ca), Kiên Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bạc Liêu, An Giang, Ninh Thuận (mỗi địa phương 1 ca). Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 60 ca/ngày.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.910 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc.

Tính đến ngày 27/10/2021, có 63/63 tỉnh thực hiện đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP. Trong đó, 7.264 xã, phường cấp độ 1 (68,5%); 3.126 xã, phường cấp độ 2 (29,5%); 145 xã, phường cấp độ 3 (1,4%); 67 xã, phường cấp độ 4 (0,6%). (Theo công bố cấp độ dịch của các địa phương trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế)

Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ em và bệnh nhân ung thư

Bộ Y tế cho biết, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất. Đây là loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng, đảm bảo an toàn cho trẻ em

Vaccine phòng COVID-19 Comirnaty của Pfizer-BioNTech có chỉ định tiêm cho người 12 tuổi trở lên. Hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 95% đến 100% sau khi tiêm liều thứ 2 khoảng 7 ngày.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, Viện được giao nhiệm vụ xây dựng tài liệu tập huấn cho 63 tỉnh thành phố. Dự kiến ngày 29/10, Viện sẽ triển khai tập huấn trên quy mô toàn quốc. Đối với chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ triển khai từ lứa tuổi cao xuống lứa tuổi thấp dần.

Viện vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ hướng dẫn cho các cán bộ y tế các tuyến triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em chủ yếu ở các trường học, tiếp theo là ở các trạm y tế, các trung tâm y tế và các bệnh viện (với trẻ có bệnh nền, béo phì…), làm sao để công tác tổ chức tiêm chủng vừa nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời đảm bảo an toàn.Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý vấn đề theo dõi sức khỏe các cháu sau tiêm để xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng không mong muốn có thể xảy ra.

Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục cập nhật thông tin cho phép các vaccine khác với mong muốn làm sao cùng với người dân trên 18 tuổi, trẻ Việt Nam sớm được bao phủ vaccine phòng COVID-19.

Theo bác sỹ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, việc tiêm vaccine COVID-19 cho bệnh nhân mắc bệnh máu là vô cùng quan trọng, giúp giảm nguy cơ bệnh nặng lên nếu chẳng may người bệnh mắc COVID-19. Vấn đề cần lưu ý khi tiêm vaccine cho người bị bệnh máu là loại vaccine phù hợp, thời điểm người bị bệnh máu nói chung và ung thư máu nói riêng cần được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 và phải có những lưu ý đặc biệt.

Theo Bác sỹ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, việc tiêm vaccine COVID-19 cho bệnh nhân mắc bệnh máu là vô cùng quan trọng, giúp giảm nguy cơ bệnh nặng lên nếu chẳng may người bệnh mắc COVID-19.

Chủ động ứng phó linh hoạt

Ngày 28/10, Tiến sỹ Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết, các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trong những ngày gần đây liên tục giảm, do các địa phương đã tích cực rà soát, truy vết, khẩn trương khoanh vùng và khống chế các nguy cơ lây nhiễm, cũng như phát hiện sớm các F0, F1, F2 để có phương án xử trí phù hợp.

Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 luôn được tỉnh Phú Thọ coi là giải pháp hữu hiệu nhất để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Do vậy, tỉnh đã đồng loạt triển khai tiêm phòng vaccine diện rộng cho người dân. Tính đến hết ngày 28/10, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho 4.505 cán bộ y tế. Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại 245 cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng (20 điểm tiêm tại Bệnh viện, Trung tâm y tế hai chức năng; 225 điểm tiêm tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn). Năng lực tiêm chủng tối đa toàn tỉnh hiện tại đạt khoảng 200.000 mũi vaccine/ngày; đáp ứng đủ khả năng khi lượng lớn vaccine được Bộ Y tế phân bổ.

Chủ động ứng phó dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 ở khu vực nguy cơ ảnh 2Lực lượng y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm test nhanh học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (thành phố Hà Giang). Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm 768.147 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó, có 672.353 người đã tiêm một mũi (64,5%); 95.794 người được tiêm đủ hai mũi (9,2%). Hiện tỉnh Phú Thọ còn thiếu khoảng 1,3 triệu liều vaccine để tiêm toàn bộ cho người dân trên 18 tuổi; 240.000 liều cho trẻ em từ 12-17 tuổi để tiêm bao phủ vaccine phòng COVID-19.

Để chủ động trong công tác thu dung, điều trị người bệnh nhằm giảm quá tải cho các cơ sở y tế, ngành Y tế Phú Thọ đã chủ động xây dựng và triển khai mô hình tháp ba tầng điều trị cho người mắc COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngày 28/10, thông tin từ UBND thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) cho biết, lực lượng chức năng đang tập trung lấy mẫu test nhanh sàng lọc SARS-CoV-2 đối với người dân ở 25/25 phường, xã nhằm phát hiện sớm F0 trong cộng đồng (nếu có) để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Tính từ ngày 25/10 (thời điểm ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên tại địa bàn) đến chiều 27/10, ổ dịch tại thành phố đã ghi nhận 30 ca mắc; trong đó, một số trường hợp có lịch trình di chuyển, tiếp xúc phức tạp. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định có trên 800 F1. Những trường hợp này đang thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Để sớm kiểm soát các ổ dịch, được sự đồng ý của UBND tỉnh Nam Định, từ sáng 28/10, UBND thành phố đã huy động lực lượng lấy mẫu test nhanh sàng lọc SARS-CoV-2 cho khoảng 250.000 người dân tại tất cả 25 phường, xã. Dự kiến trong ngày 29/10, cơ quan chức năng địa phương sẽ hoàn thành việc lấy mẫu.

Thành phố Nam Định đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, phấn đấu trước ngày 7/11, tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên đều được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng dịch...

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm