Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đi vào đời sống người dân ở Lâm Đồng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đi vào đời sống người dân ở Lâm Đồng
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đang thu tiền dịch vụ môi trường rừng bằng hình thức ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (thu và điều phối) và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đối với 4 đối tượng: Cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và cơ sở sản xuất công nghiệp (thu từ năm 2019). Mức chi trả bình quân 550.000 đồng - 660.000 đồng/ha/năm, chi trả tiền cho các đơn vị cung ứng theo 2 lưu vực sông Đồng Nai và sông Serepok.

Rừng thông ba lá thuộc rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Phi Liêng, huyện Đam Rông. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN
Rừng thông ba lá thuộc rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Phi Liêng,
huyện Đam Rông. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN

Đối tượng được chi trả tiền là các chủ rừng là tổ chức nhà nước (Công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Vườn quốc gia), doanh nghiệp, hộ gia đình, cộng đồng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng với chủ rừng là tổ chức nhà nước.

Tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 80 đơn vị, bao gồm 40 nhà máy thủy điện, 18 cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch, 17 đơn vị kinh doanh du lịch và 5 cơ sở sản xuất công nghiệp được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tổng số tiền thu được từ năm 2011- 2018 tại Lâm Đồng là 1.432  tỷ đồng (bình quân hơn 179 tỷ đồng/năm).

Với đơn giá khoán đến hộ là 500.000 đồng - 600.000 đồng/ha/năm và diện tích khoán 25-30 ha/hộ đã tạo nguồn thu nhập 12,5 triệu - 15,0 triệu đồng/hộ/năm và chiếm khoảng 15% tổng thu nhập của hộ gia đình trong năm. Thu nhập này đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho hơn 16.000 hộ (trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số) tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn 10 năm thực hiện, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã phát huy hiệu quả như nhận thức về chính sách được nâng lên ở cán bộ, nhân dân nhất là người dân sống gần rừng, các chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã được thay đổi rõ rệt. Từ đó, tạo được sự đồng thuận và tích cực tham gia chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mục tiêu tạo sự công bằng. Hoạt động khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần cải thiện sinh kế và đời sống của các hộ đồng bào dân tộc tại địa phương.

Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.
 
Đặng Tuấn

Có thể bạn quan tâm