Lớp học xóa mù chữ ở bản Co Muông, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (Sơn La) Ảnh: Nguyễn Hồng Cường - TTXVN . |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Mường Lựm, huyện Yên Châu (Sơn La), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai dân tộc Mông Vàng Lao Lừ đã ước mơ sau này trở thành người chiến sỹ biên phòng. Học xong lớp 12, Vàng Lao Lừ viết đơn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian quân ngũ, nhờ sự cố gắng rèn luyện của bản thân và được sự quan tâm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La, anh đã được cử đi học tại Trường Trung cấp Biên phòng II ở Vũng Tàu. Năm 2015, tốt nghiệp ra trường, anh được điều động về Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La). Sau hai khóa huấn luyện tại đây, tháng 11/2016, anh được phân công về Đồn Biên phòng Mường Lạn và làm công tác vận động quần chúng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn bản Co Muông thấy bà con có mong muốn được học chữ, Thiếu úy Vàng Lao Lừ đã chủ động tham mưu cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Lạn phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp khảo sát mở lớp xóa mù chữ tại đây. Thiếu úy Vàng Lao Lừ cho biết, Co Muông là một trong hai bản xa xôi nhất của xã Mường Lạn, không điện lưới, địa hình cheo leo, điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội còn nhiều khó khăn. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống và cuộc sống còn nhiều vất vả, thiếu thốn nên tỉ lệ người dân mù chữ cao. Sau một thời gian chuẩn bị, lớp học xóa mù chữ tại bản Co Muông đã được khai giảng vào ngày 18/1/2017, Thiếu úy Vàng Lao Lừ là người trực tiếp giảng dạy kiêm nhiệm. Học viên trong lớp ở rất nhiều lứa tuổi, có người đã gần 40 tuổi và hầu hết là lao động chính trong gia đình nên ban ngày lên nương, buổi tối mới đi học. Lúc đó, bản Co Muông chưa có điện lưới, lớp học lại tổ chức vào buổi tối, mọi người phải tận dụng nguồn điện nước tại chỗ chỉ thắp được bóng đèn 15W. Vì vậy, không đủ ánh sáng cho lớp học và phải soi đèn pin để chiếu sáng thêm. Trước thực trạng này, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã vận động các doanh nghiệp ủng hộ công trình điện năng lượng mặt trời cho lớp học… “Ban đầu, lớp học chỉ có hơn 20 người tham gia, một thời gian sau, thấy việc học mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều người đã đến đăng ký và sĩ số lớp tăng lên 36 học viên” - Thiếu úy Vàng Lao Lừ kể.
Thiếu úy Vàng Lao Lừ dạy chữ cho các em. Ảnh: Nguyễn Hồng Cường - TTXVN |
Sau những giờ lên lớp, hàng ngày, Thiếu úy Vàng Lao Lừ thực hiện nhiệm vụ của mình và dành thời gian soạn bài để giảng dạy cho các học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu kiến thức. Thiếu úy Vàng Lao Lừ tâm sự: Trong hơn một năm tham gia giảng dạy lớp xóa mù chữ, anh sinh hoạt trong ngôi nhà tạm cột tre, vách nứa do bà con dân bản dựng ở cạnh lớp học. Tuy lớp học sử dụng nguồn pin năng lượng mặt trời để thắp sáng nhưng vào những ngày trời mưa hoặc trời âm u không có điện, thầy trò phải dùng đèn pin để thắp sáng dạy, học. Mặc dù điều kiện sinh hoạt, công tác gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng anh luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau hơn một năm, lớp học xóa mù chữ ở bản Co Muông đã hoàn thành chương trình đề ra. Kết quả nghiệm thu, các học viên tham gia đi học đều đặn, thường xuyên. 100% học viên đều biết đọc, biết viết và tính được những phép toán đơn giản. Anh Giàng A Co, bản Co Muông chia sẻ: Trước đây gia đình khó khăn, anh không có điều kiện đi học nên không biết đọc, biết viết. Nhờ có lớp học xóa mù chữ tại bản, anh đã biết chữ để đọc sách và có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh việc giảng dạy lớp xóa mù chữ, Thiếu úy Vàng Lao Lừ còn được Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Lạn tin tưởng giao phụ trách, giúp đỡ 5 cháu nhỏ mà đơn vị nhận nuôi theo chương trình "Nâng bước em tới trường". Thiếu úy Vàng Lao Lừ cho biết, được sự tín nhiệm của Ban Chỉ huy đơn vị, anh đã tích cực kèm cặp, giúp đỡ và dạy dỗ các em cách xưng hô chào hỏi, lễ phép, sinh hoạt hợp vệ sinh, rèn luyện thể lực; kèm cặp trong giờ tự học, phương pháp tăng gia làm vườn rau. Đến nay, các em đã có rất nhiều tiến bộ trong học tập, biết xưng hô chào hỏi, lễ phép, chấp hành tốt giờ giấc học tập cũng như thời gian quy định của đơn vị. Các em cũng đã biết sống tự lập, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, có vườn rau tăng gia nhập vào bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, Thiếu úy Vàng Lao Lừ còn tham gia tuyên truyền, vận động, tham mưu, củng cố hoạt động của Ban quản lý bản, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, phát triển các mô hình như trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc, gia cầm, vệ sinh làng bản… Đến nay, nhân dân địa phương đã từng bước biết phát triển sản xuất, xóa bỏ tập quán du canh du cư; hình thành các mô hình nuôi gà, nuôi lợn và có thu nhập kinh tế. Trung tá Phạm Thái Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Lạn đánh giá, được giao nhiệm vụ vận động quần chúng, Thiếu úy Vàng Lao Lừ luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Thiếu úy Vàng Lao Lừ còn thực hiện tốt chủ trương của Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị về việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia lớp xóa mù chữ tại bản Co Muông và chương trình “Nâng bước em tới trường”. Không chỉ chắc tay súng bảo vệ biên cương của Tổ quốc, Thiếu úy Vàng Lao Lừ còn đem “cái” chữ và tình yêu thương đến với đồng bào bản Co Muông, qua đó góp phần giảm tỉ lệ mù chữ, nâng cao đời sống dân trí nơi vùng cao, vùng sâu biên giới Mường Lạn. Anh vinh dự là một trong 70 điển hình được vinh danh tại Lễ tuyên dương sắp diễn ra ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Nguyễn Cường