Chị Nguyễn Thị Hồng (bên trái) hướng dẫn công nhân kiểm tra sự sinh trưởng của giun quế. Ảnh: Quang Cường - TTXVN |
Chúng tôi gặp chị Hồng khi chị đang cùng các công nhân dọn dẹp khu nuôi giun quế để chuẩn bị cho đợt nuôi tiếp theo. Nhìn chị Hồng hăng say lao động không ai nghĩ chị là quản lý một nhà máy rộng 7 ha, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Giải thích việc tại sao chị lại quyết định đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ giun quế, chị Hồng chia sẻ, do thường xuyên chứng kiến cảnh nông dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp, chị lo lắng các loại rau xanh, sản phẩm nông nghiệp khi bán ra thị trường có đảm bảo thời gian cách ly, an toàn cho người sử dụng? Cùng với đó, chất thải trong chăn nuôi đang là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường ở các vùng quê. Từ đó, chị luôn suy nghĩ làm sao biến các chất thải chăn nuôi kia thành nguồn phân bón hữu cơ có ích và mang lại lợi nhuận.
Biến suy nghĩ thành hành động, chị Hồng đã đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình sản xuất phân giun quế trong cả nước, kết hợp với tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, mua đất để xây dựng nhà máy... Năm 2017, nhà máy sản xuất phân hữu cơ giun quế của chị Hồng đi vào hoạt động. Đến nay, nhà máy của chị đã sản xuất thành công các sản phẩm phân hữu cơ như: Phân hữu cơ giun quế, phân hữu cơ dịch giun quế và giun tinh.
Chị Nguyễn Thị Hồng hướng dẫn công nhân sử dụng máy sàng lọc giun quế. Ảnh: Quang Cường - TTXVN |
Nhà máy của chị Hồng được xây dựng thành 2 khu riêng biệt, khu nhà điều hành và khu nhà xưởng 5 tầng, diện tích 5.000 mét vuông, có thể chứa được 25.000 tấn phân chưa qua xử lý, phần nào giải quyết lượng lớn phân chuồng thải ra môi trường trên địa bàn xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Trước đây, lượng phân chuồng này chủ yếu thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân tại địa phương.
Chị Hồng cho biết, phân gia súc, gia cầm sau khi thu gom sẽ được ủ xử lý, phối trộn bổ sung một số chủng vi sinh vật làm nguồn dưỡng chất nuôi giun quế. Ước tính, 13 -14 nghìn tấn phân nguyên liệu sản xuất được từ 3 - 4 nghìn tấn phân hữu cơ giun quế và khoảng 11 tấn giun quế/kỳ thu hoạch. Dây chuyền xử lý phân hữu cơ vi sinh sau khi được lắp đặt đã giải quyết hiệu quả việc xử lý các loại chất thải trong chăn nuôi, tạo ra sản phẩm phân bón riêng phục vụ từng loại cây trồng.
Ngoài đam mê nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh giỏi, chị Hồng còn được người dân địa phương quý mến bởi phong cách giản dị, sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, nhà máy sản xuất phân hữu cơ giun quế của chị Hồng tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hồng hướng dẫn công nhân kiểm tra sự sinh trưởng của giun quế. Ảnh: Quang Cường - TTXVN |
Anh Đỗ Hữu Vụ, thôn Tân Thành, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, cho biết: Làm việc tại nhà máy của chị Hồng, công nhân được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định của Nhà nước. Công việc ở nhà máy đỡ vất vả, thu nhập cũng ổn định hơn.
Với mục tiêu kinh doanh, sản xuất theo hướng tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn, sản phẩm phân hữu cơ vi sinh của Công ty cổ phần Hồng Minh Landlight do chị Hồng làm giám đốc đã phát huy hiệu quả, được nông dân đón nhận và đánh giá cao.
Chị Hoàng Thị Tuyết, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, cho biết: Sử dụng phân hữu cơ giun quế giúp giảm chi phí, cải thiện sức khỏe của nông dân. Từ khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh, cây rau của gia đình chị sinh trưởng nhanh hơn, ít sâu bệnh, thu nhập từ trồng rau cao hơn so với trước đây.
Với 9 chế phẩm hữu cơ vi sinh đã đăng ký và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận, Công ty cổ phần Hồng Minh Landlight góp phần quan trọng giúp nông dân hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, bảo vệ môi trường.
Quang Cường