Xã Hữu Khuông là nơi Vân Anh sinh ra và lớn lên. Nằm giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, chung quanh là mặt nước bao la và núi rừng trùng điệp, các bản làng của xã Hữu Khuông trở thành những “ốc đảo 5 không”: Không có đường bộ ô tô; không có điện lưới quốc gia; không sóng điện thoại, mạng inter net; không có chợ buôn bán; không có công trình nước sạch. Toàn xã có 7 thôn, bản với ba dân tộc anh em sinh sống là dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông. Người dân nơi đây chưa biết xây dựng các mô hình kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt mà luôn trông chờ vào thiên nhiên, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nên năng suất cây trồng, vật nuôi rất thấp, thường bị đói vào những tháng giáp hạt.
Chị Lương Thị Vân Anh chăm sóc cây. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế, cô gái sinh năm 1985 Lương Thị Vân Anh đăng ký tham gia chương trình 600 trí thức trẻ tình nguyện và được phân công về quê nhà. “Tôi chọn mảnh đất của quê hương để trở về, cống hiến sức trẻ của mình để giúp đỡ chính quyền xã và bà con xây dựng các mô hình kinh tế từng bước giảm được nghèo đói”, Lương Thị Vân Anh tâm sự. Từ năm 2012 đến nay, với sự nỗ lực, tâm huyết của tuổi trẻ, Vân Anh đã vượt qua những khó khăn ban đầu về điều kiện làm việc, sinh hoạt và cuộc sống kham khổ để có thể đứng vững và đồng hành cùng bà con trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững. Vân Anh được chính quyền xã Hữu Khuông phân công chỉ đạo công tác thuộc lĩnh vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp. Nhận nhiệm vụ, bản thân cô luôn tìm tòi học hỏi, nghiên cứu tài liệu, văn bản liên quan đến lĩnh vực công tác, tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế của địa phương, kế hoạch hoạt động của xã, của cấp trên để chủ động xây dựng chương trình triển khai các công việc. Mặt khác, Vân Anh bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, ý kiến đóng góp của bà con. Phải xây dựng các mô hình kinh tế để bà con thực hiện, có như vậy mới mong thoát nghèo. Nghĩ là làm, Vân Anh đã xây dựng đề án phát triển nghề nuôi cá lồng và đàn lợn địa phương. Cơ sở thực tiễn của đề án này là dựa vào mặt nước của lòng hồ Bản Vẽ để phát triển nghề nuôi cá, trước hết là đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, sau đó mở rộng thị trường ra các xã trung tâm rồi tiếp tục xây dựng thương hiệu để mở rộng xuống các huyện vùng xuôi và thành phố Vinh. Giống lợn đen, gà đen địa phương đang trở thành loại thực phẩm đặc sản trong các nhà hàng. Do vậy, việc nhân giống, phát triển về số lượng sẽ đem lại cho bà con một nguồn thu đáng kể. Hiện tại, tổ chức Oxfam đang triển khai dự án hỗ trợ nuôi cá lồng và phát triển đàn lợn, đàn gà địa phương cho xã Hữu Khuông. Bà con được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, làm lồng và chuồng trại. Ngoài ra, tận dụng yếu tố địa hình để phát triển các loại loại gia súc (trâu, bò, dê) theo hướng kinh tế hàng hóa, mở rộng khai hoang diện tích lúa nước (hiện toàn xã mới có hơn 20 ha) cũng là một hướng đi quan trọng để giúp người dân Hữu Khuông nâng cao mức sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo. “Trước đây, chúng tôi chăn thả gà, lợn, không chú trọng đến nâng cao chất lượng. Từ khi chị Vân Anh về đây công tác, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp đào ao thả cá, trồng rừng, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Nhiều gia đình trong bản giúp đỡ nhau cùng làm. Nguyên liệu như gà, lợn, cá chúng tôi đều có. Điều đáng nói là giờ đây chúng tôi đã nhận thức được việc đổi mới cung cách làm ăn từ tự cung, tự cấp sang hướng thị trường hàng hóa, làm cho thu nhập của gia đình tăng lên”, anh Lô Văn Hải, bản Sàn, xã Hữu Khuông cho biết.
Chị Lương Thị Vân Anh nhận bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Từ thành công của mô hình nuôi cá lồng, gà đen thả vườn, lợn đen địa phương, mô hình trồng ngô trên đất dốc, trồng cây táo mèo, chanh leo… được cán bộ chương trình 30a và tri thức trẻ Vân Anh trực tiếp cùng làm với bà con đang được nhân rộng ra trên địa bàn xã, mang lại thu nhập đáng kế cho người dân. Tập quán chăn nuôi của bà con vùng cao chủ yếu là thả rông gia súc, gia cầm nên không kiểm soát được tổng đàn và dễ xảy ra dịch bệnh. Từ khi được tăng cường về giúp xã, Vân Anh đã chỉ đạo quyết liệt cán bộ Nông nghiệp cùng Công an xã ban hành và thắt chặt quy chế chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh và luôn không ngừng cải thiện chất lượng con giống nên tổng đàn gia súc trên địa bàn xã tăng lên hàng năm. Trước năm 2012, người dân trên địa bàn xã chủ yếu sống dựa vào nguồn tài nguyên của rừng mà không có phương án bảo vệ bền vững, chỉ khai thác lấy lâm sản phụ nhưng không tiến hành trồng rừng. Từ khi về xã công tác, hàng năm Vân Anh đã trực tiếp triển khai họp dân, tuyên truyền vận động bà con đăng ký trồng rừng, kết quả hàng năm đều đạt vượt kế hoạch cấp trên giao. Giờ đây, Hữu Khuông đã kéo được điện lưới quốc gia về trung tâm xã, có ba bản được dùng điện lưới thắp sáng, có sóng điện thoại liên lạc. Vân Anh đã trực tiếp xây dựng kế hoạch đào đường dân sinh trên địa bàn xã, nối 7 bản đến trung tâm xã bằng nguồn lực của địa phương và phối hợp chỉ đạo xây dựng đường giao thông nông thôn theo chương trình nông thôn mới. Qua vận động, nhân dân trên địa bàn xã ra quân đào đường dân sinh với tổng chiều dài 24 km, hiến 603m2 đất cùng hàng ngàn ngày công đóng góp. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 80%. Ông Lô Văn Tùng, Bí thư xã Hữu Khuông cho biết: Trong 5 năm làm việc ở địa phương, chị Vân Anh đã nỗ lực làm việc tâm huyết, không quản mọi gian khó để giúp đỡ địa phương và bà con dân bản. Với lối sống lành mạnh, giản dị, trung thực, chị luôn được đồng nghiệp và bà con tin yêu. Chị Vân Anh tâm sự: Mảnh đất Hữu Khuông không chỉ là nơi làm việc mà còn là quê hương của tôi. Bà con nơi đây yêu thương, đùm bọc tôi như chính người thân của mình. Nếu họ còn cần tôi thì tôi còn ở lại để giúp đỡ, cống hiến sức trẻ của mình, giúp bà con thoát nghèo bền vững”.
Bích Huệ