Ông Lê Xuân Kiềm đang hướng dẫn các cháu nội, ngoại học bài. |
Niềm vui lớn của ông Kiềm chính là các con lần lượt thi đậu đại học, cao đẳng, nhưng cùng với đó là nỗi lo vì gánh nặng các khoản chi phí cho các con. Ông Kiềm tâm sự: “Vợ chồng tôi khi đó lại cật lực làm việc để hàng tháng gửi tiền cho con ăn học. Mỗi lần nhận được thư con, vợ chồng vừa mừng, vừa lo. Mừng là con vẫn khỏe, học hành tiến triển tốt; lo là lấy tiền đâu gửi cho con. Trong khi đồng lương của tôi chỉ có ba cọc ba đồng. Đặc biệt, năm 1990 là năm khó khăn nhất của gia đình, tôi phải đưa ra quyết định xin nghỉ việc Nhà nước để lo kế sinh nhai cho gia đình. Khi đó, nếu cố gắng làm thì 3 năm nữa tôi mới đến tuổi về hưu, đủ tháng đủ năm thì tiền hưu sau này sẽ được nhận cao hơn. Tuy nhiên, con cái đang không đủ no, việc học hành đứng trước nguy cơ bỏ dở. Vì thế tôi đành xin nghỉ sớm. Bởi, tôi nghĩ chỉ có học mới thay đổi cuộc sống các con”.
Được biết, ông Kiềm quê ở tỉnh Hải Dương, ông vào Nam công tác từ năm 1976 với chức vụ Phó phòng Thủy lợi huyện Long Mỹ. Khi đó, gia đình không có tài sản giá trị nào ngoài 3 công ruộng do Nhà nước cấp. Để lo cho con, vợ chồng ông phải đi làm thuê, làm mướn cho người ta.
Anh Nguyễn Hùng Long, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Long Mỹ (nay là phường Thuận An) bồi hồi nhớ lại: “Nhà tôi ở gần nhà của chú Kiềm. Tôi cũng từng cùng với chú và các con của chú đi mò cua, bắt ốc, rồi làm phụ hồ, gánh đất mướn cho người ta. Thời ấy, khó khăn, vất vả lắm để lo miếng ăn. Người ta ai cũng mong con cái lớn khôn để phụ giúp gia đình. Vậy mà chú Kiềm lại quyết tâm lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Tới bây giờ tôi vẫn luôn kính trọng và khâm phục sự vượt khó của gia đình chú Kiềm”.
Có lẽ vì thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cha mẹ, nên cả 5 người con của ông đều học rất giỏi và hiện là những giáo viên năng động, sáng tạo của ngành giáo dục tỉnh nhà. Trong đó, anh Lê Xuân Lộc, con trai trưởng của ông, hiện là Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Long Mỹ (thị xã Long Mỹ); chị Lê Thị Duyên, con gái thứ 2 của ông, là giáo viên dạy nhạc Trường THCS Vị Thắng (huyện Vị Thủy); anh Lê Xuân Nam, con trai thứ 3, là giáo viên dạy sinh học Trường THCS Lương Tâm (huyện Long Mỹ); chị Lê Thị Uyên, con gái thứ 4 dạy môn địa lý Trường THCS Thuận Hưng (huyện Long Mỹ) và người con trai út, anh Lê Xuân Lợi, giáo viên dạy môn toán Trường THPT chuyên Vị Thanh (thành phố Vị Thanh).
Ông Kiềm phấn khởi chia sẻ: “Không chỉ các con, mà cả dâu rể của tôi cũng đều công tác trong ngành giáo dục. Tôi thấy mừng vì những cố gắng của hai vợ chồng đã được đền đáp xứng đáng bằng sự ngoan hiền, hiếu thảo và thành đạt của các con”.
Tạm chia tay với gia đình ông Kiềm, chúng tôi đến thăm DHHH của ông Lư Văn Sang, ở khu vực 4, phường Thuận An. Đây là một gia đình sống bằng nghề nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vậy mà nuôi 4 người con học hết đại học (Đại học Cần Thơ) và có việc làm ổn định với thu nhập cao. Trong đó có 1 người làm giáo viên, 3 người làm kinh doanh bên ngoài. Ông Sang chia sẻ: “Dù vất vả thế nào tôi cũng chịu được. Tôi chỉ sợ các con dở dang việc học. May mắn là tụi nhỏ từ bé đã biết nghe lời và chăm học. Có đứa nhiều năm liền luôn đứng thứ hạng cao trong lớp. Đó chính là động lực để tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống!”
Không chỉ DHHH của họ Lê, họ Lư, mà thị xã Long Mỹ còn nhiều những DHHH đã vượt qua khó khăn thiếu thốn của cuộc sống đời thường để lo cho các con ăn học thành tài. Mỗi một tấm gương về gia đình hiếu học, DHHH là một câu chuyện cảm động của cả phụ huynh lẫn học sinh trên con đường tìm kiếm tương lai.
Thị xã Long Mỹ hiện có 57 DHHH (trong đó có 38 DHHH tiêu biểu); có hơn 19.010 gia đình hiếu học (trong đó có hơn 38 gia đình hiếu học tiêu biểu). Chính nhờ những tấm gương tiêu biểu này đã đưa phong trào khuyến học, khuyến tài của thị xã ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng”. |
Báo Hậu Giang