Bài 2: Tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách thông thoáng theo tập quán quốc tế. Điển hình là đơn giản hóa các thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan hàng hóa, các quy định về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh…
Nhưng từ đây cũng đặt ra vấn đề: Làm thế nào để bảo đảm tạo thuận lợi cho đầu tư, hoạt động thương mại quốc tế, lại vừa kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả ma túy, không để Việt Nam thành nơi trung chuyển “cái chết trắng”?
Đủ mọi thủ đoạn, mánh khóe
Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Trước những khó khăn do đại dịch gây ra, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan Hải quan đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.
Nổi bật trong những giải pháp mà cơ quan Hải quan đưa ra là tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, các đối tượng tội phạm đã đưa vào “tầm ngắm” việc này. Chúng nghiên cứu rất kỹ những chính sách thông thoáng này để lợi dụng, nhất là về thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như sử dụng khai báo hải quan điện tử (VNACSS/VCIS), áp dụng quản lý rủi ro trong phân luồng, miễn kiểm tra thực tế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất, nhập cảnh để cất giấu, vận chuyển ma túy.
Mánh khóe mà các đối tượng tội phạm ma túy sử dụng, nổi lên là khai báo sai tên hàng hóa, số lượng, chủng loại hàng hóa. Chúng cũng “biến” các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật nên có một số mặt hàng được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi trở thành “con mồi” bằng cách trà trộn, cất giấu ma túy vào hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, cất giấu trong người, hành lý để đưa ma tuý vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài tiêu thụ, nhất là các phương tiện thường xuyên qua lại biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Những chiếc “vòi bạch tuộc” còn lợi dụng sự thông thoáng theo tập quán quốc tế trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng container tuyến đường biển để vận chuyển ma túy. Theo đó, chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục xuất nhập khẩu mà lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan làm hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau. Thậm chí chúng lập công ty “ma” để xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy vào Việt Nam. Vì vậy, số lượng ma túy vận chuyển ở mỗi đường dây không còn nhỏ lẻ như trước mà lên đến hàng trăm kilogam.
Tội phạm ma túy cũng “ngắm kỹ” chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở, nhất là các phương tiện container nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Liên quan tình trạng này, năm 2021, khi dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Tài chính có Báo cáo số 1524/BTC-TCHQ gửi Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo nêu rõ: Cả nước có 129 doanh nghiệp hoạt động quá cảnh hàng hóa từ Trung Quốc đi Lào, Campuchia với hàng chục nghìn container mỗi năm. Bên cạnh những lợi ích như tạo việc làm, thu nhập cho một số bộ phận người lao động, nguồn thu đáng kể của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics thì hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro về vận chuyển hàng cấm, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cả… ma túy qua lãnh thổ Việt Nam. Vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra 2 container hàng hóa thuộc loại hình quá cảnh đã phát hiện và thu giữ 7,5 tấn tiền chất ma túy; kiểm tra lô hàng quá cảnh của Công ty CP Vận tải quốc tế KA đứng tên trên tờ khai, phát hiện, bắt giữ 15,8 kg ma túy đá.
Những dấu hiệu mới đáng ngại
Trao đổi về thực trạng đáng ngại này, Đại tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết: Nhà nước tạo hành lang thông thoáng về chính sách để doanh nghiệp được thuận lợi đầu tư. Nhưng tội phạm về ma túy đã nghiên cứu và thấy một số mặt hàng được sự ưu tiên, ưu ái của luật pháp mà chúng có thể lợi dụng.
Như trong phân luồng hải quan, về cơ bản hiện nay hải quan Việt Nam áp dụng 3 luồng là xanh, vàng và đỏ. Tùy trường hợp cụ thể mà hàng hóa được xếp vào mỗi luồng. “Các đối tượng đã tìm cách được xếp hàng hóa ưu tiên vào luồng xanh để chúng độn trộn ma tuý cũng như đưa các tiền chất, hóa chất và thành lập, xây dựng các nhà máy, kho xưởng rất lớn để sản xuất ma túy”, Đại tá Chu Văn Phú lo ngại nói.
Trước nhiều dấu hiệu mới đáng lo ngại của loại tội phạm này trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan phân tích: Khi công nghệ phát triển, việc mua bán và gửi hàng qua mạng trở nên thuận tiện, dễ dàng và phổ biến. Lợi dụng điều kiện thuận lợi của phương thức này, các đối tượng tội phạm đã tập trung đẩy mạnh hoạt động mua bán qua mạng, đồng thời phát triển đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia thông qua lợi dụng các loại hình vận chuyển như chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế.
Các đối tượng thường sử dụng tên giả, địa chỉ giả, số điện thoại giả... khi làm thủ tục gửi, nhận hàng hóa. Chúng khai báo sai tên hàng hóa, số lượng, chủng loại hàng hóa và lợi dụng các doanh nghiệp được ưu tiên để trà trộn, cất giấu ma túy vào hàng hoá xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, cất giấu trong người, hành lý để đưa ma tuý vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài tiêu thụ, nhất là các phương tiện thường xuyên qua lại biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam – Campuchia.
Khi hàng về Việt Nam, đối tượng thường thuê hoặc nhờ người đi nhận hàng; hoặc ủy thác cho công ty chuyển phát nhanh thay mặt làm thủ tục hải quan, sau đó giao hàng về địa chỉ được chỉ định. Đặc biệt, chúng dùng “mánh” gửi hàng lòng vòng qua nhiều nước nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng khi tra soát tuyến đường trọng điểm.
Trước “cái chết trắng” đang tìm mọi cách xâm nhập vào Việt Nam trên hướng biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng cảnh báo: Việt Nam ở rất gần vòng xoáy trung tâm về ma túy. Các băng nhóm, đường dây quốc tế đã lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container đi đường biển để vận chuyển ma túy trái phép. Chúng trà trộn ma túy vào các container hàng hóa khác nhau như: Thực phẩm, đồ uống, hải sản đông lạnh, đá, phế liệu... đưa đi nước thứ ba tiêu thụ.
Theo Trung tá Phạm Mạnh Ngân, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy số 3 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam: Tình trạng tội phạm ma túy sử dụng vũ khí “nóng” ngày càng nhiều; tính chất hoạt động ngày càng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. “Trên biển có những đặc thù bởi điều kiện thực tế như sóng to, gió lớn và thời tiết, thủy văn, tầm nhìn nên cần phải có một khoảng thời gian nhất định mới có thể tiếp cận được tàu, thuyền. Bởi vậy, từ khi tiếp cận mục tiêu cho đến khi áp sát và cập mạn, tới khi đưa được lực lượng lên phương tiện để kiểm tra, rất cần phải có thời gian”, Trung tá Phạm Mạnh Ngân cho biết.
Nhức nhối trước tình trạng tội phạm lợi dụng không gian mạng internet để thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 lo ngại nói: Đây là vấn đề đáng báo động trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ và phổ biến của Internet. (Xem tiếp Bài 3: Công nghệ cao “tiếp tay” tội phạm ma túy)
Hạnh Quỳnh