Thời gian qua, hàng loạt vụ án liên quan đến mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên các tuyến trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường hàng không, bưu điện và trên tuyến đường biển… bị lực lượng cảnh sát điều tra về ma túy, lực lượng hải quan và cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá. Song, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.
Dù biết mua bán ma túy có khả năng phải chịu hình phạt tù từ chung thân đến tử hình, song vì lợi nhuận khổng lồ, các đối tượng tội phạm vẫn bất chấp. Nhiều tổ chức ma túy quốc tế tìm mọi cách lợi dụng các chính sách ưu đãi, thủ tục thông thoáng về xuất, nhập khẩu hàng hóa theo tập quán quốc tế của Nhà nước, để vươn “vòi bạch tuộc” tới Việt Nam với tính toán: “nếu 2 vụ bị bắt, 1 vụ lọt thì vẫn có lời”.
Cuộc chiến với loại tội phạm này cũng bởi thế mà trở nên khó khăn và gian nguy hơn gấp bội…
Bài 1: Những dòng chảy ma túy xâm nhập vào Việt Nam
Các đường dây, băng nhóm tội phạm ma túy quốc tế đang câu kết với các đối tượng trong nước lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu phi mậu dịch để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy từ các nước châu Âu về Việt Nam tiêu thụ trong nước và đưa đi nước thứ ba - Cảnh báo mới đây của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) tiếp tục cho thấy những diễn biến hết sức phức tạp trên trận tuyến đấu tranh với “cái chết trắng”.
Kẽ hở trong vận chuyển hàng hóa quốc tế
Từ công tác điều tra cơ bản, vừa qua các trinh sát của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Đức về Việt Nam tiêu thụ, do các đối tượng người Việt cư trú tại các nước châu Âu cầm đầu.
Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây này là lợi dụng hoạt động vận chuyển hàng hóa từ các doanh nghiệp logistic để vận chuyển ma túy qua đường hàng không, bưu điện vào Việt Nam. Chúng cất giấu ma túy vào các loại hàng hóa thông thường như: bánh kẹo, mỹ phẩm, quà tặng… sau đó đóng thành các kiện ghi tên người nhận, địa chỉ và số điện thoại “ảo”, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi phát hiện.
Xác định đây là đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, bưu điện, có tính chất phức tạp, xuyên quốc gia. C04 đã xác lập Chuyên án 522Q phối hợp với Công an thành phố Đà Nẵng, Quảng Bình, Cục Hải quan Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và các lực lượng tại sân bay Nội Bài để tập trung đấu tranh triệt phá.
Từ ngày 13-30/5/2022, Ban chuyên án đã lần lượt bắt giữ 11 đối tượng thuộc đường dây vận chuyển ma túy từ Đức về Việt Nam tiêu thụ, vật chứng thu giữ trên 50 kg ma túy tổng hợp các loại. Trong đó, “ông trùm” của đường dây ma tuý lớn này là Nguyễn Viết Hồng Dũng, 26 tuổi, bị bắt gọn tại Quảng Bình khi đối tượng vừa bay từ Đức về Việt Nam để chỉ đạo việc nhận hàng, phân phối và tiêu thụ ma túy. Qua lời khai ban đầu, các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. C04 đã giao vụ án cho Công an các địa phương tiếp tục điều tra, mở rộng.
Dù bị phát hiện, triệt phá, song thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây ma túy từ châu Âu về Việt Nam do Nguyễn Viết Hồng Dũng cầm đầu cho thấy những diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng tội phạm đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không. Chúng gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam tiêu thụ trong nước và đưa đi nước thứ ba. Nổi lên thời gian gần đây là các đối tượng tổ chức vận chuyển ma túy tổng hợp qua đường hàng không từ Đức, Hà Lan… về Việt Nam thông qua các công ty vận chuyển quốc tế.
“Vượt trời, vượt biển” vào Việt Nam
Những “ông trùm, bà trùm” ma túy quốc tế và các đối tượng trong nước không chỉ tìm cách lợi dụng tuyến đường hàng không, bưu điện để vận chuyển “cái chết trắng” vào Việt Nam. Thông qua các công ty vận chuyển quốc tế, các đối tượng tội phạm còn đưa ma tuý với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam bằng tuyến đường biển, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng.
Để vươn “vòi bạch tuộc” vào Việt Nam, thủ đoạn của các băng nhóm, đường dây ma túy quốc tế là lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container tuyến đường biển. Theo đó, chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục xuất nhập khẩu mà lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan làm hợp đồng ủy thác xuất, nhập khẩu hàng hóa qua nhiều công ty khác nhau. Thậm chí sử dụng công ty “ma” để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy lòng vòng qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ rồi mới đi vào Việt Nam. Vì vậy, số lượng ma túy vận chuyển ở mỗi đường dây không còn nhỏ lẻ như trước mà lên đến hàng trăm kg.
Ngoài ra, đối với loại hình hàng hóa, phương tiện quá cảnh và tạm nhập - tái xuất, tội phạm ma túy thường lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở, nhất là các phương tiện container, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Nhận định những diễn biến phức tạp này, Đại tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, cũng cho hay: Do khó khăn trong xuất nhập cảnh bởi tình hình dịch COVID-19, gần đây các đối tượng đã chuyển sang vận chuyển hàng hóa trên tuyến chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế, logistics. Phương thức và thủ đoạn của các đối tượng cũng thay đổi rất nhiều. Cùng với việc sản xuất ra nhiều loại ma túy mới hòng tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng còn trà trộn ma túy vào các mặt hàng thông dụng như thực phẩm chức năng, chai nước gội đầu, thức ăn cho gia súc, gia cầm... để vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh vào nội địa.
Đại tá Chu Văn Phú còn cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy mới đây đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Hải quan Hà Nội xác lập 5 chuyên án. Trong đó có một chuyên án đã xác định đường dây vận chuyển ma túy trái phép chủ yếu là ma túy dạng kẹo MDMA được trộn lẫn trong hàng biếu gửi để nhập vào trong nước.
Nhức nhối trước tình trạng ma túy “vượt trời, vượt biển” xâm nhập vào Việt Nam, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa từng nêu rõ: Việc vận chuyển, mua bán với số lượng lớn ma túy qua các cửa khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, cảng biển, cảng hàng không rất tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng, có lúc, có nơi chưa phát hiện được. Có vụ phát hiện với số lượng cả tấn. Vì vậy, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến hết sức phức tạp chính là một nguy cơ an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia. (Xem tiếp Bài 2: Tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường)
Hạnh Quỳnh