Được hình thành từ con đập thủy lợi nhằm mục đích trữ nước và cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân địa phương thế nhưng hồ Suối Giai, thuộc xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước lại được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh đẹp nên thơ, không khí trong lành, dễ chịu. Do đó, việc quản lý, bảo vệ hồ Suối Giai trước sự “lấn chiếm” của người dân không chỉ góp phần bảo vệ an toàn hồ đập mà còn tạo điều kiện thuận lợi để địa phương quy hoạch phát triển du lịch nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của hồ.
Chấn chỉnh, xử lý vi phạm
Hồ Suối Giai trải dài hơn 10km từ xã Tân Lập đến thị trấn Tân Phú (huyện Đồng Phú), dù thời tiết có nắng nóng nhưng nước trong hồ luôn mát lạnh. Mặt nước tương đối ổn định, vào mùa khô, độ sâu thường dao động khoảng 10-12m, mùa mưa cũng chỉ từ 14-16m. Lòng hồ ít bùn đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thú vị như bơi lội, chèo thuyền, đánh bắt thủy sản… Tiềm năng là vậy nhưng lâu nay nơi đây chỉ được xem như một viên ngọc thô chưa được mài giũa. Người dân chỉ thực sự biết đến hồ Suối Giai từ khi huyện Đồng Phú tổ chức giải đua thuyền mở rộng kết hợp các tiết mục biểu diễn các môn thể thao mạo hiểm dưới nước, dù lượn trên không và SUP (Stand Up Paddleboarding)… Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều người tận dụng sức hút của Suối Giai để phát triển du lịch, kết hợp dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Tuy nhiên, do quá trình xây dựng tự phát, chưa được quy hoạch rõ ràng nên nhiều công trình có dấu hiện vi phạm hành lang bảo vệ công trình hồ thủy lợi. Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với các quan chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản và yêu cầu khắc phục hiện trạng đối với các trường hợp vi phạm.
Theo ông Đặng Đình Thuần, Chủ tịch - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước, ngoài việc kiểm tra hiện trạng công trình theo định kỳ hằng năm, Công ty chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình hồ Suối Giai; đồng thời báo cáo kiến nghị địa phương xử lý các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định hiện hành.
“Qua công tác kiểm tra, công ty đã phát hiện một số hộ gia đình, cá nhân có các hành vi vi phạm hành lang an toàn bảo vệ hồ Suối Giai và lập biên bản, xem xét xử lý theo quy định. Trong đó đã xử lý 1 trường hợp liên quan sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng với số tiền 6,5 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất trước khi vi phạm theo quy định”, ông Thuần cho biết thêm.
Khó khăn trong công tác quản lý
Thời gian qua, huyện Đồng Phú và Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước luôn sát sao trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn hồ Suối Giai. Tuy nhiên, theo ông Hoa Vận Định - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú, trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định.
Ông Hoa Vận Định thông tin, quá trình kiểm tra thực tế tại các thửa đất của người dân khu xung quanh khu vực hồ, đối chiếu với bản đồ đo đạc năm 1998 và bản đồ đo đạc chính quy năm 2009 chưa trùng khớp. Nhiều trường hợp người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng công trình trong phần diện tích đất được cấp giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký sử dụng theo bản đồ đo đạc chính quy năm 2009. Trong khi đó, việc cắm mốc để xác định phạm vi hành lang bảo vệ an toàn hồ Suối Giai chưa được thực hiện, do đó khó khăn trong việc xác định vị trí, diện tích vi phạm làm cơ sở xử lý theo quy định.
Ông Đặng Đình Thuần chia sẻ, để thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hồ Suối Giai cần nguồn kinh phí lớn. Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước đã báo cáo đề xuất kinh phí cắm mốc tại Báo cáo số 53/BC-DVTL ngày 25/2/2021 và Báo cáo số 122/BC-DVTL ngày 20/4/2021. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa bố trí được kinh phí để thực hiện cắm mốc hồ Suối Giai.
“Năm 2024, công ty đã tập trung nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên để ưu tiên nguồn lực cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hồ Suối Giai. Hiện nay, phương án cắm mốc đang được đơn vị tư vấn hoàn thiện. Đơn vị sẽ sớm trình và lấy ý kiến của UBND huyện Đồng Phú về phương án cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Suối Giai. Trên cơ sở đó, hoàn thiện phương án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định; phấn đấu hoàn thành công tác cắm mốc hồ Suối Giai trong tháng 12/2024”, ông Thuần cho biết thêm.
Hồ Suối Giai có diện tích lưu vực hứng nước là 34,4 km2; dung tích hồ ứng với mực nước dâng bình thường là 21,3 triệu m3; diện tích mặt hồ ứng với mực nước dâng bình thường (cao trình 62,0 m) là 380 ha, ứng với mực nước lũ thiết kế (cao trình 63,1 m) là 420 ha. Theo Điều 40, Luật Thủy lợi năm 2017 và Khoản 3, Điều 23, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/05/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước thì phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Suối Giai được tính từ đường biên có cao trình bằng với cao trình đỉnh đập trở xuống phía lòng hồ. Như vậy, theo quy định hiện hành, đối với hồ Suối Giai việc cắm mốc sẽ được thực hiện dọc theo đường biên (đường đồng mức) có cao độ là 64,5 m (bằng cao độ đỉnh đập hồ Suối Giai) và cao hơn mép hồ (mực nước dâng bình thường) là 2,5 m.
Đậu Tất Thành