Cao Bằng ứng dụng thành công mô hình nuôi cá rô phi đơn tính

Cao Bằng ứng dụng thành công mô hình nuôi cá rô phi đơn tính
Anh Hoàng Phú Hiên, tổ 4, phường Hòa Chung (thành phố Cao Bằng) thu hoạch cá.
Anh Hoàng Phú Hiên, tổ 4, phường Hòa Chung (thành phố Cao Bằng) thu hoạch cá.
Sau 6 tháng triển khai, hơn 30.000 cá giống rô phi đã được lựa chọn nuôi tại 18 hộ, thuộc các tổ 3, 4, 5, 9, phường Hòa Chung (Thành phố Cao Bằng) và xã Hoàng Hải (Quảng Uyên). Trong đó, phường Hòa Chung 13 hộ tham gia, với 1,5 ha ao; xã Hoàng Hải 5 hộ với 0,5 ha ao. Các hộ đều có diện tích ao từ 500 m2 trở lên, đảm bảo mực nước từ 1 - 1,5 m theo tiêu chuẩn VietGap. 
 
Qua tổng kết mô hình, các hộ đã cơ bản áp dụng quy trình nuôi khoa học kỹ thuật chặt chẽ, nên cá thương phẩm đạt trọng lượng từ 600 - 700g/con. Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hóa chất cải thiện môi trường ao nuôi đúng liều lượng và không nằm trong danh mục cấm lưu hành trong nuôi trồng thủy sản. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn, vôi bột, thuốc trị bệnh, được tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô phi thương phẩm, áp dụng VietGap.

Ngoài thức ăn được hỗ trợ, các hộ còn bổ sung thức ăn tự chế từ nguyên liệu ngô, sắn, cám gạo, đỗ tương, bã rượu. Từ nuôi quảng canh, chưa biết ứng dụng kỹ thuật đơn giản, nông dân được hướng dẫn giải quyết đồng thời việc quản lý dịch bệnh, các yếu tố đầu vào tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là khâu nhận biết triệu chứng dịch bệnh, cách phòng bệnh. Nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGap không chỉ rút ngắn được thời gian mà còn giúp bà con có lợi nhuận cao hơn hẳn so với cách nuôi truyền thống. Kết quả nuôi tại 13 hộ ở phường Hòa Chung, tỷ lệ sống đạt trên 80%, đạt sản lượng 8,8 tấn/ha; ở xã Hoàng Hải, do 5 hộ chưa ứng dụng đầy đủ các quy trình chăn nuôi, nên sản lượng mới đạt 5 tấn/ha.

Hiệu quả từ việc triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính là cơ sở để các hộ nông dân trong xã khác áp dụng, nâng cao thu nhập cũng như làm đa dạng các mô hình nuôi trồng trên địa bàn. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ nuôi theo hướng VietGap đã giải quyết được vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, giảm tỷ lệ cá chết do dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, làm giảm thời gian nuôi.   
 
Bà Nông Thị Thúy, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khẳng đinh: Nuôi cá rô phi thông thường đã được nhân dân trong tỉnh đưa vào nuôi đại trà, tuy nhiên chủ yếu theo phương pháp truyền thống, nuôi ghép với các đối tượng khác, kỹ thuật thâm canh hạn chế nên chưa phát huy tối đa tiềm năng. Chi cục Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính bán thâm canh theo hướng VietGap, mặc dù kỹ thuật nuôi không khó, song vẫn đảm bảo quy trình về nước, thức ăn, cách phòng, chống dịch bệnh.
 
Qua mô hình VietGap giúp người dân có kỹ thuật nuôi mới, phương thức nuôi phù hợp, đặc biệt hình thành thói quen áp dụng, thực hành quy trình nuôi thuỷ sản theo VietGap tại hộ gia đình. Tuy nhiên, tại các hộ hiện còn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được vùng chuyên canh tập trung. Việc đầu tư thâm canh của nông dân còn nhiều hạn chế do thiếu vốn. Vấn đề thiếu nguồn cung cấp, kiểm dịch chất lượng con giống chưa đảm bảo, nhiều giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, mang mầm bệnh vẫn còn lưu hành trên thị trường…, là những trở ngại lớn trong việc phát triển thủy sản theo quy mô lớn.

Để nghề nuôi cá rô phi đơn tính theo VietGap đạt hiệu quả cao hơn, ngành nông nghiệp cần đưa loài cá này vào cơ cấu giống của tỉnh, đồng thời quy hoạch các vùng nuôi thâm canh tập trung, hướng đến phát triển sản xuất giống tại chỗ và đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật đến nông dân.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm