Cao Bằng tập trung xây dựng các hợp tác xã kiểu mẫu

Cao Bằng tập trung xây dựng các hợp tác xã kiểu mẫu
Gian hàng thực phẩm sạch của hợp tác xã Tâm hòa. Ảnh : lapsuontamhoa.com
Gian hàng thực phẩm sạch của hợp tác xã Tâm hòa. Ảnh : lapsuontamhoa.com
Tính đến tháng 9/2108, tỉnh Cao Bằng có 630 tổ hợp tác, 362 hợp tác xã (trong đó có 219 hợp tác xã đang hoạt động chiếm 60,5%; 143 HTX ngừng hoạt động) với hơn 3.200 thành viên, số vốn điều lệ trên 538 tỷ đồng…Năm 2018, toàn tỉnh thành lập mới 15 hợp tác xã với số vốn đăng ký gần 30 tỷ đồng. Tại buổi làm việc, ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định, tỉnh luôn coi sự phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, tỉnh đề nghị các sở, ban ngành rà soát lại các hợp tác xã đang có trên địa bàn để tập trung xây dựng một số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, tạo thành các hợp tác xã kiểu mẫu làm động lực các hợp tác xã của tỉnh phát triển. Cùng với đó, các đơn vị triển khai xúc tiến đầu tư theo chuỗi; khẩn trương rà soát quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, báo cáo những vướng mắc trong quá trình thực hiện để đưa ra các giải pháp khắc phục. Ông Triệu Đình Lê kiến nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, người lao động cho các hợp tác xã; tăng cường nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Trung ương, tạo điều kiện cho hợp tác xã trên địa bàn  phát triển…
Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của ông Đàm Văn Lịch đang được xã Đào Ngạn xúc tiến thành lập hợp tác xã, tiến tới hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất. Ảnh: baocaobang.vn
Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của ông Đàm Văn Lịch đang được xã Đào Ngạn xúc tiến thành lập hợp tác xã, tiến tới hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất. Ảnh: baocaobang.vn
Theo ông Đàm Văn Độ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng, khó khăn của các hợp tác xã tỉnh Cao Bằng hiện nay là sản phẩm hàng hóa chưa đa dạng, sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, phương án sản xuất, kinh doanh chưa ổn định lâu dài, quy mô hợp tác xã hoạt động còn nhỏ lẻ, manh mún, trình độ năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ hợp tác còn hạn chế, các hợp tác xã khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong sản xuất kinh doanh… Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, thành viên Tập đoàn Lavifood nhấn mạnh, sẽ hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Cao Bằng; hỗ trợ chi phí đào tạo, vốn đầu tư khoa học công nghệ để tạo ra các mô hình hợp tác xã kiểu mới (gắn với vấn đề khởi nghiệp của lao động trẻ). Ông Thành cũng đề nghị tỉnh Cao Bằng tạo điều kiện về cơ sở vật chất; sớm xây dựng các chương trình về tài chính, đào tạo, nguồn lực phục vụ việc xây dựng các mô hình hợp tác xã thế hệ mới. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng cần xem xét đến ý tưởng chuyển đổi một số cây rừng không có hiệu quả kinh tế thành các rừng cây ăn quả, rừng cây dược liệu. Từ những rừng cây này, tỉnh sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp… Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Việt Nam cho biết, sẽ báo cáo Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể về các chính sách mà tỉnh Cao Bằng kiến nghị. Đồng thời, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ ủng hộ, phối hợp với tỉnh Cao bằng để thống kê, rà soát năng lực hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn; hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Trung ương; có chính sách để hỗ trợ các hợp tác xã tỉnh Cao Bằng tham gia các hội chợ trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị tỉnh Cao Bằng cần đảm bảo an toàn đầu tư cho các nhà đầu tư; phát triển du lịch phải giữ gìn được văn hóa bản địa, các vấn đề thuộc về bản địa để tạo sự khác biệt; minh bạch, chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian khi giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư; hoàn thiện chính sách thu hút lao động trẻ về làm việc cho các hợp tác xã.
Chu Hiệu

Có thể bạn quan tâm