Tối 2/10/2019, Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) tổ chức Lễ khai trương Phố đi bộ Kim Đồng và Chợ ẩm thực thành phố; khai mạc triển lãm ảnh, trưng bày giới thiệu đặc sản ẩm thực, hàng lưu niệm của tỉnh Cao Bằng. |
Cao Bằng - quê hương giàu truyền thống cách mạng
Cách đây 520 năm, đến triều vua Lê Hiến Tông, năm Cảnh Thống thứ 2 (1499) nhà Lê quyết định tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên để thành lập trấn Cao Bằng. Từ đó, Cao Bằng trở thành một đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc chính quyền Trung ương, có bộ máy quản lý lãnh thổ, tạo nên sự ổn định và phát triển cho đến ngày nay.
Cao Bằng là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, giữ vị trí trọng yếu nơi biên cương Tổ quốc, là vùng đất địa linh nhân kiệt. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, cộng đồng các dân tộc ở Cao Bằng luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước.
Đặc biệt, từ khi được tiếp nhận ánh sáng của cách mạng, phong trào cách mạng Cao Bằng đã có bước phát triển vượt bậc, để năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Cao Bằng vinh dự được đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Tháng 6-1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Cao Bằng là chiến trường chính đồng thời cũng là hậu phương tại chỗ cung cấp sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên Cao Bằng trực tiếp chỉ huy chiến dịch Biên giới, đánh đồn Ðông Khê thắng lợi. Chiến thắng Đông Khê cổ vũ khí thế lập công trên khắp các mặt trận, tạo thế thuận lợi cho sự phát triển toàn bộ chiến dịch. Trước sức ép ngày càng lớn mạnh của ta, quân Pháp phải rút chạy khỏi Cao Bằng. Ngày 3-10-1950, Cao Bằng được hoàn toàn giải phóng.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cao Bằng là tỉnh hậu phương của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Cao Bằng đã tích cực huy động sức người, sức của chi viện cho cách mạng miền Nam. Hơn 3 vạn thanh niên trai, gái đã xung phong lên đường vào nam chiến đấu, góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Cao Bằng đang vươn lên mạnh mẽ
Ngay sau ngày giải phóng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Đặc biệt, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW, ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Cao Bằng đã và đang tạo đà vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện.
Giai đoạn 2004-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,5%/năm. Thu ngân sách tăng trưởng bình quân 18%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng bình quân 14%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn đạt hơn hai tỷ USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông-lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.
Tỉnh Cao Bằng thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư và đã thu hút được 275 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 35 nghìn tỷ đồng.
Công tác giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả tích cực (giảm 3-5% mỗi năm), thu nhập bình quân đầu người từng bước được cải thiện, nâng lên. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 15 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, bình quân đạt 9,4 tiêu chí nông thôn mới/xã.
Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong sạch, bản sắc văn hóa độc đáo, Cao Bằng có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch. Năm 2017, khu du lịch Thác Bản Giốc của Cao Bằng được Thủ tướng phê duyệt định hướng trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia. Năm 2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Tỉnh đang tập trung xây dựng và khai thác các khu du lịch như: Thác Bản Giốc-chùa Phật tích Trúc Lâm-động Ngườm Ngao; Khu du lịch sinh thái Phja Oắc-Phja Đén; Khu du lịch sinh thái Hồ Thang Hen; các khu, điểm du lịch động Giộc Đâư; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng); Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình)... Trong năm 2018, lần đầu tiên tỉnh đón hơn 1,2 triệu khách du lịch, doanh thu đạt trên 360 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhằm tháo gỡ “nút thắt” hạ tầng, phát triển kinh tế, Cao Bằng phối hợp đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải bổ sung vào Quy hoạch phát triển giao thông tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng); điều chỉnh quy hoạch Quốc lộ 3 theo hướng tránh các đèo Giàng, đèo Gió.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỉnh quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh địa bàn biên giới.
Những chuyển biến, đổi thay của Cao Bằng 69 năm qua đã khẳng định sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc quê hương cội nguồn cách mạng. Trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, thực hiện tốt các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển. Đảng bộ tỉnh Cao Bằng quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tạo sự khác biệt, trong đó tập trung, dồn lực tháo gỡ ba điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, cửa khẩu; chất lượng nguồn nhân lực và thể chế. Đồng thời, huy động các nguồn lực để thực hiện ba đột phá chiến lược về phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững; phát triển nông nghiệp thông minh và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Diệp Ninh (tổng hợp)
TTXVN