Cao Bằng, Bắc Kạn tập trung khắc phục ảnh hưởng thiên tai, khôi phục sản xuất

Chiều 10/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì hội nghị trực tuyến với 2 tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào xóa nhà tạm, dột nát, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và tình hình khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất trên địa bàn.

vna_potal_bac_kan_con_hang_tram_vi_tri_bi_sat_lo_tren_cac_tuyen_duong__7596652.jpg
Lực lượng chức năng nỗ lực thông đường trên quốc lộ 3B, thuộc địa phận xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Nguyễn Công Hải – TTXVN

Tại điểm cầu Cao Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch cho biết, 9 tháng năm 2024, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 7% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 694 triệu USD (tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng lượt khách ước đạt trên 1,6 triệu lượt (tăng 24% so với cùng kỳ). Đến ngày 30/9, tỉnh giải ngân trên 2.300 tỷ đồng (đạt 38,8% kế hoạch); giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hơn 1.000 tỷ đồng (bằng 28,67% kế hoạch). Toàn tỉnh hỗ trợ trên 2.880 hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát (đạt 40,56%).

Từ đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 17 đợt thiên tai làm 59 người chết, 24 người bị thương; 13.500 ngôi nhà bị ảnh hưởng; gần 4.800 ha nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại; ước tính thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng...Đến nay, tỉnh phân bổ trên 320 triệu đồng hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của Cao Bằng còn hạn chế. Nổi lên là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết diễn biến thất thường; giải ngân vốn đầu tư công rất chậm; thu hút đầu tư, sức đầu tư của các thành phần kinh tế còn hạn chế, từ đầu năm 2024 đến nay chỉ có 2 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư...

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân, sửa chữa, khắc phục nhanh cơ sở hạ tầng nhằm khôi phục phát triển kinh tế. Cơ quan Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương cho đầu tư hạ tầng các cửa khẩu; cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, 2023 sang năm 2025 để địa phương kịp thời hoàn thiện thủ tục pháp lý và hấp thụ nguồn vốn theo đúng mục tiêu đề ra...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng đã báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn và kiến nghị với Trung ương nhiều nội dung.

Chia sẻ khó khăn đối với những thiệt hại do thiên tai gây ra tại hai tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Cao Bằng, Bắc Kạn triển khai, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các chỉ số kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả... Hai tỉnh cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 3 tháng cuối năm 2024; tập trung khắc phục ảnh hưởng thiệt hại của bão số 3 để ổn định cuộc sống nhân dân, khôi phục sản xuất; rà soát, báo cáo cụ thể thiệt hại để Trung ương có phương án hỗ trợ. Các địa phương đưa ra giải pháp căn cơ, lâu dài để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Các bộ, ban ngành tiếp tục tổng hợp, báo cáo, kiến nghị Chính phủ để hoàn thiện, ban hành cơ chế, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ để khắc phục sớm hậu quả cơn bão gây ra; có văn bản trả lời kiến nghị của hai tỉnh trước ngày 15/10.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng làm rõ thêm một số kiến nghị, đề xuất của 2 tỉnh, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025...

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm