Trên tuyến biên giới Hà Tĩnh, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh còn thực hiện xuất sắc công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân địa phương. Các trạm xá quân dân y kết hợp như "cánh tay nối dài" của ngành Y tế, hỗ trợ hiệu quả công tác khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe ban đầu cho người dân vùng biên.
Những năm gần đây, bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) đã quen với hình ảnh cán bộ quân y của lực lượng Biên phòng thường xuyên có mặt để khám, chữa bệnh cho đồng bào. Trạm xá quân dân y kết hợp được xây dựng khang trang ngay gần bản, giúp bà con không còn phải lo lắng mỗi khi đau ốm. Nhất là vào thời điểm mưa lũ, đường giao thông về trung tâm huyện bị chia cắt.
Chị Hồ Thị Thương, người dân bản Rào Tre chia sẻ, mỗi khi ốm đau, đồng bào trong bản được quân y Biên phòng khám, chữa bệnh miễn phí. Những bệnh trước đây bà con hay mắc như đau đầu, sốt rét, đau khớp phải đi khám ở xa nay đã được điều trị hiệu quả tại trạm xá. Nhờ có trạm xá quân dân y ở ngay gần nhà, người dân hình thành thói quen nếu ốm đau tìm đến chữa bệnh, chứ không nhờ thầy lang hay lên rừng tìm cây thuốc như trước đây. Cán bộ quân y rất tận tình, bà con có thể đến khám bệnh không kể ngày hay đêm.
Bản Rào Tre, xã Hương Liên có 46 hộ, 156 nhân khẩu, sinh sống tại hai điểm khác nhau. Từ bản đến trung tâm huyện Hương Khê khoảng 30 km, đường đi lại khó khăn, mùa mưa thường bị nước lũ chia cắt, cô lập. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, do đó việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào chủ yếu dựa vào lực lượng quân y của Tổ công tác cắm bản thuộc Đồn Biên phòng Bản Giàng. Năm 2023, Trạm y tế quân dân y kết hợp bản Rào Tre đã khám, chữa bệnh cho gần 1.500 lượt người, trong đó hơn 600 lượt là đồng bào Chứt.
Thiếu tá Nguyễn Đức Long, y sỹ Trạm xá quân dân y kết hợp bản Rào Tre cho biết, đội ngũ quân y của Trạm luôn nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, coi đây là yếu tố quan trọng, then chốt quyết định đến hoạt động khám chữa bệnh của Trạm. Trạm trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi nhận thức, thay đổi, tiến tới xóa bỏ việc mời thầy mo về cúng khi bị đau ốm. Từ đó nhận thức của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Bà con thường xuyên đến khám và lấy thuốc chữa bệnh, góp phần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, cán bộ quân y của trạm thường xuyên làm tốt công tác dân vận, xây dựng mối đoàn kết với quần chúng nhân dân trên địa bàn. Từ đó, nắm bắt được mọi diễn biến trên khu vực biên giới và ngoại biên, góp phần giữ vững an ninh biên giới quốc gia.
"Chúng tôi luôn coi đồng bào dân tộc Chứt như người thân, ruột thịt của mình. Khi trong bản có người ốm đau, chúng tôi đến từng nhà, không kể ngày đêm để chăm sóc cho bà con. Từng liều thuốc, bữa ăn, giấc ngủ đều được lực lượng Biên phòng quan tâm, hỗ trợ”, Thiếu tá Nguyễn Đức Long cho biết thêm.
Trên tuyến biên giới biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh hiện có 2 trạm xá quân dân y kết hợp được triển khai để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cán bộ, chiến sỹ. Tại Trạm xá quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) mỗi ngày tiếp nhận, khám và điều trị cho hàng chục lượt bệnh nhân là người dân trong vùng.
Bà Phạm Thị Ngọc, thôn Trung Tiến, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh chia sẻ, do trạm y tế xã ở xa, nhờ có Đồn Biên phòng tổ chức khám bệnh cho bà con nên rất thuận tiện. Nhất là vào những lúc mưa gió, đêm tối, người dân không còn phải đi xa để khám bệnh.
Do đóng ở địa bàn vùng biển nên quá trình làm việc của cán bộ quân y ở đây cũng có những đặc thù riêng. Đó là việc người dân thường xuyên đi đánh bắt thủy hải sản trên biển, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố hoặc đau ốm. Vì thế, lực lượng quân y luôn sẵn sàng, túc trực kịp thời chăm sóc, sơ cứu ban đầu cho bà con trong vùng.
Thiếu tá Nguyễn Văn Ân, y sỹ Trạm xá quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Kỳ Khang cho hay, người dân địa phương chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản nên thường hay gặp sự cố trên biển, phải chờ đến khi tàu thuyền cập bến mới có thể xử lý. Vì vậy, nhận được tin báo của người dân, đội ngũ y bác sỹ kịp thời có mặt ở bến cảng để thăm khám, cấp cứu ban đầu cho bà con.
Bộ độ Biên phòng Hà Tĩnh đang duy trì hoạt động của 5 trạm xá quân dân y kết hợp trên hai tuyến biên giới đất liền và bờ biển. Bình quân hằng năm, các trạm xá quân dân y kết hợp tổ chức thăm khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho gần 6.000 lượt người. Cùng với chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, các trạm xá quân dân y kết hợp phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp với hệ thống y tế ở cơ sở, lồng ghép thực hiện hiệu quả chương trình y tế quốc gia, giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các trạm xá quân, dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng góp phần rất lớn trong chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sỹ cũng như nhân dân trên địa bàn hai tuyến biên giới. Ngoài 4 trạm xá ở trong nước, lực lượng Biên phòng còn có một trạm xá đóng tại bản Thoọng Pẹ, huyện Khamkheut, tỉnh Bolikhamsay (Lào). Trạm xá được xây dựng nhằm khám chữa bệnh cho cán bộ, nhân dân các bản tiếp giáp tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian tới, lực lượng Biên phòng tiếp tục phối hợp với ngành Y tế địa phương nâng cao năng lực chuyên môn cho y, bác sỹ. Đồng thời, huy động nguồn lực, thực hiện xã hội hóa nhằm đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ tốt hơn nữa cho đồng bào khu vực biên giới cũng như cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng.
Hữu Quyết