Lực lượng chức năng tháo dỡ các biển quảng cáo vi phạm hành lang an toàn giao thông đoạn qua huyện Đắk Mil, Đắk Nông. Ảnh: Anh Dũng – TTXVN |
Đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông có tổng chiều dài 153 km, bắt đầu từ Km734 huyện Cư Jút và kết thúc tại Km887 huyện Đắk R’lấp. Trong đó, đoạn tuyến từ Cầu 14 (giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông) đến Cầu 20 (Km817 thuộc huyện Đắk Song) do Chi cục đường bộ III.5 (thuộc Cục Quản lý đường bộ III) quản lý. Đoạn còn lại do Sở Giao thông và Vận tải Đắk Nông được ủy thác quản lý.
Từ khi hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng vào năm 2015, đường Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả, giúp cho việc giao thương giữa vùng Tây Nguyên và các vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ được thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ và san lấp mặt bằng trái phép hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đắk Nông diễn biến phức tạp, khó xử lý.
Theo Sở Giao thông và Vận tải Đắk Nông, từ đầu năm 2017 đến hết quý I/2018, các cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền các địa phương đã phát hiện 69 trường hợp vi phạm về hành lang an toàn đường bộ và 79 trường hợp san lấp mặt bằng trái phép dọc hai bên đường Hồ Chí Minh. Tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, san lấp mặt bằng trái phép diễn ra ở tất cả các huyện, thị xã có đường Hồ Chí Minh chạy qua, nhưng diễn ra phức tạp nhất ở 2 huyện Đắk Song và Đắk R’lấp. Qua kiểm tra thực tế, tại huyện Đắk Song có 23 vị trí và huyện Đắk R’lấp có 22 vị trí đã và đang san lấp mặt bằng trái phép.
Tình trạng san gạt diễn ra phổ biến dọc đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Anh Dũng – TTXVN |
Thời gian qua, Sở Giao thông và Vận tải Đắk Nông, Chi cục Quản lý đường bộ III.5 thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các đợt cao điểm để giải tỏa những trường hợp vi phạm, trả lại hành lang an toàn giao thông dọc hai bên đường Hồ Chí Minh. Các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không chấp hành, cố tình tái phạm nên trên tuyến vẫn còn những “điểm nóng”. Việc người dân san lấp mặt bằng trái phép, lấn chiếm hành lang để xây dựng lều quán, đặt các biển quảng cáo hoặc các vật che chắn gây khuất tầm nhìn người đi đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến an toàn của công trình.
Theo ông Phan Nhật Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Đắk Nông, việc xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ, san lấp mặt bằng trái phép dọc đường Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn do ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở một bộ phận tổ chức và người dân sinh sống dọc tuyến chưa cao. Bên cạnh đó, một số hộ dân sống dọc quốc lộ có điều kiện kinh tế khó khăn nên dựng lều, quán buôn bán mưu sinh dẫn đến tình trạng vi phạm hành lang an toàn còn diễn biến phức tạp. Một số chủ đất, chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện san lấp mặt bằng không hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý, thậm chí có hành vi chống đối.
Việc san gạt đất diễn ra ngang nhiên dọc đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN |
Ở các địa phương có đường Hồ Chí Minh chạy qua chưa quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thiếu các biện pháp xử lý quyết liệt ngay từ đầu khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp. Rất nhiều trường hợp vi phạm được Chi cục Quản lý đường bộ III.5 và Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính rồi chuyển về cho địa phương xử lý theo thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Việc “thờ ơ” trong xử lý vi phạm của các địa phương là một trong những nguyên nhân dẫn đến các đối tượng vi phạm chây ỳ, có biểu hiện xem thường pháp luật.
Ông Phan Nhật Thanh cho biết, để bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và an toàn giao thông trên truyến đường Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện nhiều giải pháp; trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, chấm dứt tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, san lấp mặt bằng trái phép. Tuy nhiên, để chặn đứng tình trạng này thì trách nhiệm không chỉ riêng đơn vị quản lý đường bộ mà cần có sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương có tuyến đường chạy qua.
Anh Dũng