Cần Thơ nỗ lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện

Cần Thơ nỗ lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện

Ngay từ đầu năm 2023, Bảo hiểm Xã hội thành phố Cần Thơ đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, đến nay, thành phố chưa đạt chỉ tiêu UBND thành phố Cần Thơ giao về thực hiện bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp cho UBND quận, huyện năm 2023.

Cần Thơ nỗ lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện ảnh 1Sáng 28/11/2023, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai, thực hiện chỉ tiêu theo Quyết định số 182/QĐ-UBND ngày 18/1/2023 của UBND thành phố Cần Thơ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp cho UBND quận, huyện năm 2023 (gọi tắt là Quyết định số 182). Trong ảnh: Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Vất vả hoàn thành chỉ tiêu

Đến nay, số người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn thành phố là 1.120.439 người, đạt 96,77% chỉ tiêu giao (tăng 44.221 người so với cùng kỳ năm 2022) nhưng so với cuối năm 2022, giảm 1.095 người. Do đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân của Cần Thơ chưa đạt kế hoạch (hiện mới đạt 89,47%). Những địa phương có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả thành phố là quận Bình Thủy (đạt 70,88%) và huyện Cờ Đỏ (đạt 88,88%).

Theo ông Lê Phước Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, mặc dù Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội quận và các phường đều phát động, ra quân tuyên truyền, đến tận nhà vận động người dân tham gia nhưng đến thời điểm này vẫn chưa đạt chỉ tiêu (bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ đạt 64,51%; bảo hiểm y tế đạt 70,88%). Người dân từ chối tham gia bảo hiểm y tế, do điều kiện kinh tế gặp khó khăn nên chỉ ưu tiên mua bảo hiểm cho người bệnh, người già; nhiều người trẻ dù được vận động cũng từ chối. Ngoài ra, người dân mua bảo hiểm y tế 3 tháng, 6 tháng hết hạn, nếu không được cán bộ vận động thì không tham gia.

Theo ông Lê Phước Lợi, chất lượng khám, chữa bệnh cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định tham gia bảo hiểm y tế của người dân. Ngoài ra, do trên địa bàn quận Bình Thủy có nhiều dự án, công trình (đặc biệt là phường Long Tuyền, Long Hòa), người dân di chuyển đến các địa bàn khác nhưng vẫn còn hộ khẩu trên địa bàn quận. Đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế của quận.

Quận Thốt Nốt là địa phương có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt và vượt chỉ tiêu nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tính đến cuối tháng 11/2023 đạt thấp nhất thành phố với 1.370 người (bằng 44,92% kế hoạch giao). Ông Võ Văn Tân, Quyền Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt cho biết, để thực hiện đạt các chỉ tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được Bảo hiểm xã hội thành phố giao là rất khó với địa phương do hiện chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia các loại hình bảo hiểm. "Nói là bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng người tham gia không tự nguyện nên để đạt được chỉ tiêu giao thì phải vận động. Trong khi đó, ý thức người dân chưa cao và đời sống khó khăn nên việc vận động người dân tham gia rất vất vả", ông Võ Văn Tân cho biết.

Quyền Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt phân tích, trước đây người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo chuẩn hộ nghèo nông thôn. Tuy nhiên, khi có Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thay đổi từ 700.000 đồng/năm tăng lên 1.500.000 đồng/năm (tương đương 330.000 đồng/tháng). Do đó, người dân không có tiền để mua thường xuyên cũng như tiếp tục đóng khi hết hạn. Có người đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 5 - 7 năm nhưng vẫn ngừng tham gia.

Theo các địa phương, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện kéo dài nhưng đối tượng thụ hưởng chỉ hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất nên người dân cũng không mặn mà với việc tham gia loại hình bảo hiểm này. Ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Cần Thơ cho biết, công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế ở thành phố Cần Thơ gặp một số khó khăn, hạn chế như: Sự phối hợp 3 bên (tổ chức dịch vụ thu với UBND xã, phường, thị trấn và Bảo hiểm Xã hội quận, huyện) chưa được chặt chẽ, chưa thường xuyên liên tục. Công tác tuyên truyền những quy định mới, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hết hạn phải tham gia lại ở một số nơi chưa được kịp thời. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc cục bộ, vật tư, trang thiết bị y tế kéo dài từ đầu năm 2023 đến nay ảnh hưởng rất lớn đến sự công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận tham gia bảo hiểm y tế.

Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu

Theo chỉ tiêu UBND thành phố giao, từ nay đến cuối năm 2023, các địa phương phải vận động 37.361 người mới tham gia bảo hiểm y tế, 12.850 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mặc dù thời gian còn rất ngắn nhưng lãnh đạo các quận, huyện đều quyết tâm thực hiện đạt chỉ tiêu UBND thành phố giao. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy Lê Phước Lợi cho biết, UBND quận sẽ chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường tăng cường phối hợp với tổ chức dịch vụ thu đến tận nhà người dân để tuyên truyền, nhắc nhở các hộ đến hạn tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện; phối hợp với các trường học vận động giáo viên, gia đình giáo viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Quận cũng chỉ đạo trung tâm y tế quận và các phường tăng cường công tác khám, chữa bệnh cho người dân; đồng thời, giao chỉ tiêu cho từng thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ nay đến cuối năm 2023 hoàn thành chỉ tiêu trên địa bàn quận đạt 85%.

Theo chỉ tiêu được giao đến cuối tháng 12/2023, quận Thốt Nốt phải vận động 1.680 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Quyền Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt Võ Văn Tân cho biết, UBND quận chỉ đạo cán bộ, đảng viên vận động người thân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Các phường phối hợp cùng các ngành đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đồng thời, huy động giáo viên các trường vận động người thân tham gia.

Để những chỉ đạo, quyết tâm của các địa phương mang lại hiệu quả, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đề xuất, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thành phố cần đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động người dân tham gia bằng những tiểu phẩm, phóng sự thực tế; qua đó, người dân thấy được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm. Bảo hiểm Xã hội thành phố Cần Thơ kiến nghị với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho phép người dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần thay vì đóng nhiều lần để thu hút người dân tham gia; đồng thời, giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống còn 10 năm.

Để đảm bảo hoàn thành số lượng người dân tham gia bảo hiểm như chỉ tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện yêu cầu, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm Xã hội thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan trực tiếp rà soát, điều tra, khảo sát dữ liệu thuế, dữ liệu doanh nghiệp tăng mới từ Sở Kế hoạch và Đầu tư để phát triển người tham gia.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Bình Thủy và Giám đốc Bảo hiểm Xã hội quận Bình Thủy làm việc với Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ đảm bảo đạt 100% sinh viên tại trường tham gia bảo hiểm y tế; kiểm tra, rà soát kết quả vận động ít nhất một người thân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và ít nhất một người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình của cán bộ, công chức, viên chức theo chương trình, kế hoạch đã ký kết với Bảo hiểm Xã hội thành phố.

Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm