Chiều 24/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cùng các sở, ngành chức năng kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ sông và tiến độ xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn giai đoạn 2 trên địa bàn quận Ô Môn.
Dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn đoạn từ Vàm Ba Rích đến Rạch Tầm Vu nằm phía bờ trái sông Ô Môn thuộc phường Thới Hòa và Phường Thới An, quận Ô Môn do Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ) làm chủ đầu tư. Ông Huỳnh Thanh Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, công trình là giai đoạn 2 của dự án chống sạt lở sông Ô Môn với mục tiêu nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, chống sạt lở khẩn cấp sông Ô Môn, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Dự án được phát lệnh khởi công vào tháng 4 vừa qua, với tổng thời gian thi công dự án là 270 ngày. Tuyến kè có chiều dài 2.200m được thiết kế và xây dựng theo phương án kiên cố, kết cấu dạng tường chắn bê tông cốt thép kết hợp thảm đá gia cố mái sông. Công trình gồm một số hạng mục, tường kè, hệ thống đường giao thông sau kè, vỉa hè, lan can, cây xanh, hệ thống thu và thoát nước mưa, điện chiếu sáng… với tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành khảng 50% khối lượng công trình. Đơn vị thi công là Liên doanh Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) – Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông 309 – Công ty CP Xây dựng Sơn Trang đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm đưa dự án hoàn thành theo kế hoạch vào cuối tháng 12/2024…
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh, do tính chất khẩn cấp của công trình, cần hoàn thành nhanh để chống sạt lở, bảo vệ tài sản, nhà cửa của người dân sống ven sông, đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân bám sát công trường, thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp tốt với các đơn vị, địa phương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đặc biệt, Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ – chủ đầu tư dự án cần phối hợp đơn vị chức năng, đơn vị thi tìm giải pháp phù hợp để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án phù hợp thực tế, nhất là trong điều kiện mùa mưa bão, triều cường. Đối với đơn vị thi công, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu tổ chức rà soát tiến độ thi công cụ thể của từng hạng mục công trình, tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư... đẩy nhanh tiến độ thi công khi thời tiết thuận lợi, phấn đấu hoàn thành công trình đưa vào khai thác, sử dụng theo đúng kế hoạch.
Các Sở, ngành chức năng khẩn trương hoàn thành các thủ tục để cấp vốn xây dựng cho công trình đúng quy định; UBND quận Ô Môn tập trung giải quyết bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng còn vướng mặt để sớm bàn giao cho đơn vị thi công; chủ đầu tư tiếp tục khảo sát trình UBND thành phố phê duyệt mở rộng dự án, xây dựng thêm khoảng 400m kè chống sạt lở sông Ô Môn từ nguồn vốn kết dư của dự án trên…
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra hơn 10 vụ sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh rạch. Riêng trong tháng 4 đã xảy ra 8 vụ, ảnh hưởng hơn 20 căn nhà và một kho gạo, thiệt hại tài sản khoảng 12 tỷ đồng. Trước diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ tiếp tục đề ra nhiều biện pháp ứng phó, đặc biệt chú trọng đến phương châm "4 tại chỗ" cũng như thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội trong cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, tình hình sạt lở đã và đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn thành phố, gây ra thiệt hại lớn về người tài sản của nhân dân trên địa bàn. Thành phố Cần Thơ rất quan tâm phòng, chống sạt lở, đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Tuy nhiên, ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, chưa đủ vốn để đầu tư các tuyến kè ở những khu vực sạt lở đang bức xúc. Thành phố đã đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn xây dựng 4 dự án kè với tổng chiều dài hơn 5,1km; trong đó có ba dự án ở quận Bình Thủy (sông Trà Nóc và sông Bình Thủy) và một dự án ở huyện Vĩnh Thạnh (sông Cái Sắn). Mỗi công trình kè này có mức đầu tư dự kiến từ 100 - 300 tỷ đồng.
Thanh Liêm