Nhà ở trong khu tái định cư buôn Ea Kal bị bỏ hoang. |
Định cư nhưng khó định canh
Từ 2004 - 2012, tỉnh Đắk Lắk lần lượt xây dựng 5 khu tái định cư tại xã Vụ Bổn gồm các buôn Ea Nông A, Ea Nông B, Cư Kniêl, Ea Kruê, Ea Kal. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số hộ dân không thể sinh sống và sản xuất trên vùng đất tái định cư phải tìm nguồn sống khác, những hộ bám trụ lại, nhiều năm qua vẫn luẩn quẩn trong vòng đói nghèo.
Ông Nay Lập, trưởng buôn Ea Kal cho biết, năm 2012, có 66 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được đưa về khu tái định cư buôn Ea Kal nhưng hiện chỉ còn 17 hộ bám trụ tại buôn. Mỗi hộ ở buôn Ea Kal chỉ được cấp 3 sào lúa nước, 3 sào đất rẫy nhưng không có hệ thống kênh mương nên phải mua nước từ trạm bơm với giá 300 - 350 ngàn đồng/sào/vụ để sản xuất.
Thiếu đất, nước kèm theo chi phí sản xuất cao nên làm không đủ ăn, các hộ dân phải rời bỏ khu tái định cư buôn Ea Kal tìm về nơi sinh sống cũ. Những hộ bám trụ lại phải đi làm thuê khắp nơi, đời sống bấp bênh, con em không được đến trường, tỷ lệ hộ nghèo gần 100%.
Khu tái định cư buôn Ea Kal được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khá khang trang, gồm 66 căn nhà cấp 4 (mỗi căn 28m²) cùng hệ thống điện sinh hoạt, đường giao thông, công trình nước sạch với kinh phí hàng chục tỷ đồng, nay chỉ còn lại những dãy nhà bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Các dự án tái định cư thuộc xã Vụ Bổn đều không mang lại hiệu quả như mong muốn |
Cũng trong tình trạng tương tự, buôn Cư Kniêl được thành lập năm 2005 với 90 hộ dân, đến nay chỉ còn 65 hộ sinh sống tại buôn, nguyên nhân chính là do đất cằn cỗi, sỏi đá, chỉ sản xuất được 1 vụ bắp/năm.
Mặc dù được hỗ trợ về nhà ở, sản xuất, kèm theo nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước nhưng sau hơn 10 năm kể từ khi chuyển về khu tái định cư buôn Cư Kniêl, vẫn chưa có hộ dân nào thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của buôn luôn ở mức 100%.
Đời sống của bà con ở các buôn Ea Nông A, Ea Nông B, Ea Kruê tuy được cải thiện hơn so với buôn Ea Kal và Cư Kniêl nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng luôn xấp xỉ 100%.
Ông Y’Loan Ayun, trưởng buôn Ea Nông A cho biết, đất ở đây cằn cỗi, khó sản xuất, người dân phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống.
Từ thực tế đời sống của bà con tại các khu tái định cư xã Vụ Bổn, có thể thấy, vấn đề cốt lõi chính là “bài toán” kinh tế. Vì không thể phát triển kinh tế trong điều kiện sản xuất thiếu thốn nên lần lượt nhiều hộ dân phải rời bỏ khu tái định cư, những người ở lại cũng phải tìm kiếm công việc từ nơi khác để nuôi sống gia đình.
Dù thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp mang tính đột phá để giải quyết khó khăn, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nhiều ngôi nhà trong khu tái định cư buôn Ea Kal, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) bị bỏ hoang. |
Cần những giải pháp đột phá
Năm 2015, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo huyện Krông Pắk tiến hành thu hồi 90 ha đất màu đã cấp cho 90 hộ dân buôn Cư Kniêl theo chương trình 134 (hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn), đồng thời cấp 40 ha đất ruộng lúa nước cho 90 hộ buôn Cư Kniêl theo chương trình cấp đất sản xuất 755 (hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn) của Chính phủ, diện tích đất được đề nghị cấp mới cho buôn Cư Kniêl khá tốt, đảm bảo để bà con sản xuất hiệu quả, ổn định cuộc sống lâu dài. Tuy nhiên, việc thu hồi đất cũ và cấp đất mới đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Theo Phòng Dân tộc huyện Krông Pắk, hiện khu vực buôn Ea Kal còn 42 ha đất khai hoang chưa biết xã Vụ Bổn đang sử dụng vào mục đích gì. Vì vậy, Phòng Dân tộc huyện đã đề nghị các cấp tìm phương án vận động số hộ dân rời bỏ khu tái định cư, trở về lại buôn Ea Kal; đồng thời yêu cầu UBND xã Vụ Bổn cấp 42 ha đất khai hoang cho các hộ thuộc buôn Ea Kal để người dân có thêm đất sản xuất, ổn định phần nào đời sống.
Đối với các buôn Ea Nông A, Ea Nông B, Ea Kruê cần tiếp tục quan tâm đầu tư, đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi để ổn định sản xuất, đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho bà con nơi đây.
Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, để thực hiện được các giải pháp nêu trên là không dễ dàng, cần sự vào cuộc, quan tâm của các cấp chính quyền. Huyện đang chờ chủ trương của tỉnh để giải quyết những khó khăn cho bà con trong các khu tái định cư. Bà Trinh cho biết thêm, thời gian qua, huyện Krông Pắk đã lồng ghép một số chương trình đầu tư, hỗ trợ sản xuất, chính sách ưu tiên cho các khu tái định cư nhằm giúp bà con nơi đây giảm bớt khó khăn.
Không thể phủ nhận sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương đối với các khu tái định cư nhưng đầu tư như thế nào để giải quyết “bài toán” kinh tế lâu dài cho người dân mới là vấn đề quan trọng. Chương trình hỗ trợ sản xuất và chính sách ưu tiên như những “con cá” giúp đồng bào giải quyết khó khăn tạm thời, trong khi bà con đang cần những “cần câu” để phát triển kinh tế, hướng tới cuộc sống ổn định lâu dài.
Chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng tập trung nghiên cứu, mạnh dạn thực hiện các giải pháp nêu trên, kết hợp với những chương trình hỗ trợ sản xuất, giúp bà con ở các khu tái định cư có hướng đi mới trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống lâu dài.
Tuấn Anh (TTXVN)
TTXVN