Hiện trạng vết rạn nứt rộng 1 mét trên đồi Cao. Ảnh: Tuấn Anh -TTXVN |
Đồi Cao nằm ngay bên Quốc lộ 32, sát trụ sở UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn. Ngọn đồi này là nơi canh tác, sản xuất chè của người dân nông trường trong vài chục năm qua. Từ năm 2017 trở lại đây, trên đồi bắt đầu xuất hiện các vết rạn nứt, sụt lún kèm theo là hiện tượng sạt lở taluy phía dưới chân đồi khiến người dân nơi đây nơm nớp, lo sợ. Anh Hoàng Văn Định, một trong những hộ sống dưới chân đồi Cao chia sẻ, anh là một trong những người đầu tiên sống ở đây. Hai mươi năm nay anh chưa thấy sạt lở xảy ra bao giờ. Trận mưa lũ tháng 10/2017 khiến bùn đất tràn vào bếp rồi "quật đổ" chuồng lợn, chuồng gà của gia đình. Gia đình anh mong các cấp chính quyền nhanh chóng có phương án hỗ trợ, xử lý cho gia đình cùng các gia đình khác yên tâm sinh sống.
Sau các trận mưa lũ từ cuối tháng 10/2017 đến tháng 7/2018, phần taluy dương dưới chân đồi bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ảnh: Tuấn Anh -TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Thuyết, Tổ trưởng tổ 9, thị trấn Nông trường Liên Sơn, cho biết, qua rà soát, phần diện tích chè có nguy cơ sạt lở khoảng 2,5 ha với khối lượng ước tính vài chục nghìn mét khối. Nếu có mưa lớn kéo dài, hiện tượng sạt lở có thể tiếp tục xảy ra, gây nguy hiểm cho cho người dân sinh sống phía dưới. Theo người dân sống ở đây, các vết rạn nứt xuất hiện từ cuối tháng 10/2017 và đến tháng 7/2018, sau những cơn mưa kéo dài thì phần taluy dương dưới chân đồi bị sạt lở khiến 10 chuồng lợn và công trình phụ của nhà dân bị vùi lấp. Cùng lúc đó, phía trên lưng đồi cũng xuất hiện các vết rạn nứt lớn kéo dài, có nơi rộng 1 mét, sâu đến 2 mét, khối lượng đất, đá cũng có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Anh Đinh Văn Thiết, cán bộ Địa chính - Nông nghiệp, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn cho biết, năm 2017 chỉ là những vết nứt nhỏ, nhưng đến năm 2018 đã xuất hiện những vết nứt, sụt lún kéo dài hàng trăm mét, rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân sống ở đây. Để bảo đảm an toàn, nhiều hộ dân đã tự thuê máy xúc để dọn, gạt phần đất sạt lở ở chân đồi nhưng việc làm này càng khiến nguy cơ sạt lở, bởi các vết rạn nứt phía trên đồi ngày càng phát triển rộng hơn.
15 hộ dân sinh sống ở chân đồi Cao, tổ 9, thị trấn Nông trường Liên Sơn đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi mùa mưa đến. Ảnh: Tuấn Anh -TTXVN |
Ông Phùng Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn, tỉnh Yên Bái cho biết, khu vực chân đồi Cao có 15 gia đình với 57 khẩu đang sinh sống, trong đó đa phần các hộ xây nhà xây kiên cố từ 1-2 tầng. Ngay khi xuất hiện các vết rạn nứt cũng như sạt taluy dương ở chân đồi Cao, thị trấn đã thực hiện các biện pháp di dời người dân cùng tài sản có giá trị sang các hộ dân ở khu dân cư đối diện bên đường. Sau đó, các ban, ngành chức năng của huyện Văn Chấn đã đến kiểm tra và yêu cầu địa phương túc trực trong những ngày mưa gió. Tuy nhiên, địa phương cũng như người dân dưới chân đồi Cao mong muốn các cấp chính quyền sớm có phương án xử lý, khắc phục tình trạng trên trước mùa mưa bão. Vào thời điểm mùa hanh khô, tình trạng sạt lở, rạn nứt ở đồi Cao đã tạm ngừng, nhưng khi vào mùa mưa bão, hiện tượng này sẽ lại tái diễn, đe dọa tính mạng, tài sản của hơn chục hộ dân sinh sống ở phía dưới. Vì vậy, các cấp chính quyền cần vận động, tuyên truyền người dân không tự ý dọn, gạt phần đất đã sạt lở ở dưới chân đồi, tránh những tác động, ảnh hưởng đến phần rạn nứt phía trên. Các cấp chính quyền, đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi, túc trực, sẵn sàng ứng phó, sơ tán người dân khi có diễn biến bất thường; đồng thời, đánh giá, rà soát mức độ nghiêm trọng của các vết rạn nứt cũng như có các phương án xử lý, khắc phục tình trạng trên.
Tuấn Anh