Một tảng đá kích thước hơn 4m3 đã lở và lăn từ vách núi đá phía sau bản xuống một hộ dân trong bản. Rất may, vị trí tảng đá lăn lệch nhà người dân đang sinh sống. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Trong các năm 2017 - 2018 đã nhiều lần xảy ra đá lở, lăn xuống bản cả đêm lẫn ngày với những tảng đá có kích thước từ 5m3 đến hơn 10m3, nặng cả chục tấn. Các vụ đá lăn đã làm hư hại các công trình phụ, không gây thương vong về người nhưng người dân nơi đây luôn phấp phỏng trong nỗi sợ hãi, không yên tâm.
Nguy cơ đá lăn từ vách núi và sạt lở núi từ cung trượt sạt đe dọa ảnh hưởng đến cả toàn bộ bản Pa Xa Xá (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên). Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Ông Quàng Văn Sơn, 56 tuổi, người dân bản Pa Xa Xá cho biết: "Cũng thời điểm này của năm 2017, sau hai ngày mưa to triền miên, lúc chúng tôi đang ngủ thì nghe tiếng động ầm ầm rung chuyển đất, nhà sàn. Khi chạy ra ngoài thì tảng đá hơn 4m3 đã nằm dưới đất ở phía hiên nhà sàn, cạnh nhà bếp, phá hỏng bể phốt của gia đình. Lúc đó, chúng tôi định chạy về phía trên bản để thoát nguy thì phía trên bản cũng có đá lăn, chặn hết đường thoát nên không biết chạy đi đâu nữa. Chúng tôi đã gọi điện cho chính quyền xã, lực lượng Đồn Biên phòng Pa Thơm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) để cầu cứu. Sau đêm đó, đại diện lãnh đạo huyện, Công an huyện, Bộ đội Biên phòng đã xuống bản, đến hiện trường kiểm tra thực tế. Điều lo lắng nhất của người dân trong bản hiện nay là đang mùa mưa, chỉ cần mưa kéo dài là đá lăn, sạt lở đất, chúng tôi không biết chạy đi đâu..."
Khe nứt rộng từ 25 đến 30 cm, dài hàng trăm mét chạy theo đường đồng mức trên núi, tạo nên một cung trượt sạt vô cùng nguy hiểm, đe dọa tài sản, tính mạng người dân sinh sống dưới núi. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN |
Anh Lò Văn Phương, bản Pa Xa Xá chia sẻ, ba năm trở lại đây anh đã chứng kiến nhiều lần đá từ trên vách núi lăn xuống, qua mấy căn nhà dân bản, đe dọa tính mạng người dân. Người dân nơi đây rất hoang mang, mong muốn các cấp chính quyền cho di chuyển đến địa điểm khác an toàn để ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất.
Khảo sát tại hiện trường, phóng viên ghi nhận ở độ cao hơn 100m phía mạn nghiêng về bản Pa Xa Xá của núi Mộc Cuôi Gang vẫn còn rất nhiều tảng đá có kích thước lớn đang nằm tựa vào nhau, may mắn là nhiều cây to đang chặn đường lăn của những tảng đá. Từ vị trí này nhìn xuống thấy rõ thực tế 63 hộ dân dưới bản Pa Xa Xá nằm trọn trong cung sạt lở, đá lăn dài hàng trăm mét.
Chính quyền địa phương đã dùng bạt phủ lên để ngăn nước mưa ngấm vào hàng ngàn m3 đất đá của bức tường chắn đá lăn. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Qua tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2017, để xử lý tình trạng đá lăn, chính quyền huyện Điện Biên, xã Pa Thơm và các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức phá các tảng đá, giảm kích thước xuống cho bớt nguy hiểm. Đầu năm 2018, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tiếp tục bạt cơ, san nền, đào hào và đắp hàng ngàn mét khối đất đá làm nên “bức tường chắn” dài hàng trăm mét trên núi ở độ cao gần 30 mét để ngăn chặn đá lăn xuống bản khi sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, sau những trận mưa lớn xảy ra từ tháng 6 đến đầu tháng 8/2018, tại vị trí bạt cơ, san nền, đắp tường chắn lại xuất hiện vết nứt rộng khoảng 25cm, tạo thành cung trượt sạt dài hàng chục mét chạy dọc hào, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người dân trong bản, bởi hàng ngàn khối đất đá có thể đổ ập xuống bản bất cứ khi nào.
Thực tế đó càng tăng thêm sự hoang mang cho người dân bản Pa Xa Xá khi phải đối diện với hai mối hiểm nguy là đá lăn từ trên núi và nguy cơ sạt lở hàng ngàn khối đất đá từ cung trượt sạt.
Ông Quàng Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: Sự việc này đã được xã báo cáo với UBND huyện Điện Biên. Huyện đã cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra hiện trường, đánh giá mức độ nguy hiểm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong bản. Đồng thời, chỉ đạo xã thực hiện biện pháp tạm thời trước mắt là mua bạt phủ kín hàng ngàn khối đất đá của bức tường ngăn đá lăn trên núi, nhằm hạn chế nước mưa ngấm vào thân, phá vỡ kết cấu bức tường. Người dân trong bản mong muốn được di chuyển sang địa điểm khác, vì khu vực này nguy cơ sạt lở và đá lăn rất cao.
Năm 2017, vách núi lở, một tảng kích thước khoảng 2m3, nặng cả tấn lăn xuống bản làm xiêu vẹo cột nhà sàn của người dân. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN |
Ông Lò Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm cho biết thêm, địa bàn cứ xảy ra mưa lớn kéo dài là chính quyền địa phương và người dân đều lo lắng, đứng ngồi không yên. Xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân có phương án, kế hoạch di dời dân khi sự cố sạt lở xảy ra. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Pa Thơm cũng sẽ hỗ trợ công tác di dân khi nguy cơ sự cố xảy ra.
Theo Trung tá Nguyễn Đình Lập, Đội trưởng Đội tăng cường cắm xã - Đồn Biên phòng Pa Thơm, đơn vị đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo lực lượng dân quân và các thành phần liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống bão lũ, sạt lở đất đá để giảm thiểu thiệt hại nếu sự cố xảy ra. Đơn vị cũng đã tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, tinh thần chủ động phòng tránh thiên tai. Khi có tình huống xấu, đơn vị ra hiệu lệnh báo động bằng kèn hoặc đánh kẻng báo động để người dân sơ tán lên sân Đồn Biên phòng trong đêm. Trên sông suối, đơn vị cũng bố trí ca-nô để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho hay: Việc di chuyển người dân ở bản Pa Xa Xá là cấp thiết để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho bà con. Chính quyền xã Pa Thơm đã lựa chọn và đưa ra ba địa điểm để di chuyển toàn bộ 63 hộ dân người Khơ Mú ở bản đến sinh sống, ổn định lâu dài là đồi Phắc Ven, suối Kẻnh Củ, Púng Min. Đại diện lãnh đạo huyện, các phòng ban chuyên môn huyện phối hợp chính quyền xã đã đi kiểm tra thực tế tại các điểm tuy nhiên ở mỗi nơi lại có những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc riêng nên chưa “chốt” được địa điểm cụ thể để di dời dân đến.
Trong ba địa điểm di dời dân được chính quyền xã Pa Thơm đưa ra, người dân bản Pa Xa Xá chỉ đồng ý di dời đến ở đồi Phắc Ven, bởi theo bà con nơi này gần trung tâm xã, trạm y tế xã, trường học, gần diện tích gieo trồng nông nghiệp và thuận lợi nhiều mặt khác.
Ông Ngô Xuân Chinh cho biết, quan điểm của huyện là chỉ di chuyển dân đến định cư lâu dài ở địa điểm an toàn tính mạng, việc phát triển nông nghiệp vẫn thực hiện tại những diện tích canh tác cũ. Địa điểm dân muốn đến là đồi Phắc Ven nhưng lại vướng rừng phòng hộ có trữ lượng mà theo quy định tại Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và Nghị định 71 của Chính phủ, diện tích rừng này nếu muốn chuyển đổi mục đích sử dụng để quy hoạch cho dân ở phải báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khó khăn mà chính quyền địa phương không thể làm ngay.
63 hộ dân ở bản Pa Xa Xá (dân tộc Khơ Mú) đang sống dưới cung sạt trượt dài hàng trăm mét trên vách núi phía sau bản. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVN |
Địa điểm thứ hai là suối Kẻnh Củ, tuy mặt bằng đất rộng nhưng lại xa đường giao thông, địa chất, địa hình phức tạp, qua nhiều khe, đèo, chi phí xây dựng giao thông, hệ thống điện sẽ tốn kém.
Phương án huyện Điện Biên lựa chọn là điểm bãi Púng Min, ở ngay đầu xã. Theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã được duyệt, địa điểm này được quy hoạch điểm dân cư nông thôn, hội tụ đủ các yếu tố đường giao thông nông thôn, điện… có thể đáp ứng khoảng 100 hộ dân sinh sống. Chính quyền các cấp đang tập trung tuyên truyền để bà con di chuyển đến ở tại khu vực Púng Min.
Ông Ngô Xuân Chinh cho biết thêm, chính quyền huyện Điện Biên vẫn chưa có cơ sở để báo cáo lên cấp tỉnh xem xét bố trí kinh phí do người dân chưa đồng thuận với địa điểm Púng Min. Khi nào người dân đồng thuận, huyện sẽ báo cáo lên cấp cao hơn. Huyện đã yêu cầu các phòng, ban chủ động xây dựng phương án khái toán kinh phí sơ bộ để khi người dân đồng thuận, huyện sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền, xin ý kiến triển khai thực hiện.
Trong khi chưa thể di dời người dân bản Pa Xa Xá đến địa điểm mới, huyện Điện Biên yêu cầu các cấp xã, bản tăng cường kiểm tra, đặc biệt là trong những đợt mưa lớn; nếu có dấu hiệu bất thường, phải báo cáo huyện để tổ chức sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Xuân Tiến - Hải An