Cần có giải pháp thúc đẩy các dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng

Cần có giải pháp thúc đẩy các dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cao Bằng có 161 xã thuộc địa bàn thụ hưởng chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, đòi hỏi các ngành chức năng tỉnh Cao Bằng cần sớm có giải pháp tháo gỡ, hướng tới mục tiêu để người dân sớm được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cần có giải pháp thúc đẩy các dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng ảnh 1Tỷ lệ hộ nghèo cao đang ảnh hưởng đến các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Sau một năm triển khai, chương trình đã phát sinh các vướng mắc như: Quá trình xây dựng, hoàn thiện ban hành kéo dài, dẫn đến tính chính xác của nhiều thông tin, số liệu được rà soát, lập từ thời điểm xây dựng chính sách cho đến khi ban hành không còn phù hợp. Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án nội dung còn chung chung, chưa cụ thể; một số hướng dẫn thiếu đồng bộ so với những quy định hiện hành còn hiệu lực; một số nội dung mới chưa có quy định chính sách tiền lệ nên gặp khó khăn trong xây dựng, hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện.

Trong đó, Tiểu dự án 1 “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” chậm triển khai thực hiện do công tác khoán bảo vệ rừng không có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, rõ ràng các hạng mục hỗ trợ dân; nguồn số liệu của các loại bản đồ lâm nghiệp có sự sai khác lớn về vị trí, hiện trạng, chủ quản lý so với bản đồ địa chính; khó khăn trong việc thực hiện thanh toán nguồn vốn năm 2022 về hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng.

Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” còn khó khăn đối với hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong việc tự ứng trước kinh phí để mua sắm vật tư đầu vào.

Cần có giải pháp thúc đẩy các dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng ảnh 2Tình trạng thiếu nước dẫn đến khó phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại xóm Lũng Loỏng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Tỉnh Cao Bằng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép địa phương điều chỉnh linh hoạt vốn sự nghiệp năm 2023 giữa các dự án của chương trình phù hợp với nhu cầu và điều kiện đặc thù của từng địa phương. Các bộ, ngành có liên quan cần sớm thông báo mức vốn sự nghiệp dự kiến thực hiện chương trình cả giai đoạn hoặc giao vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương; ban hành bộ tài liệu thực hiện đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp hoặc có văn bản cho phép thực hiện theo đặc thù của địa phương để tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện; hướng dẫn mức hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng.

Ông Nông Quốc Khôi, Phó Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các dự án; quan tâm bố trí nguồn nhân lực làm công tác dân tộc tại các địa phương. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất điều chỉnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình, hướng tới mục tiêu để người dân sớm được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Năm 2022, vốn ngân sách Trung ương được giao là trên 814 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách tỉnh trên 2 tỷ đồng. Năm 2023, vốn ngân sách Trung ương được giao trên 2.095 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách tỉnh gần 23 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/7/2023, ngân sách Trung ương thực hiện chương trình đã giải ngân gần 593 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp giải ngân 115 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, tỉnh Cao Bằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn, quyết liệt hơn; cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của hệ thống chính trị cấp cơ sở.

Quốc Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm