Chà vá chân xám hay voọc chà vá (danh pháp khoa học: Pygathrix cinerea) là loài đặc hữu của Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu, bảo tồn chà vá chân xám tại Miền Trung và Tây Nguyên, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Tổ chức Bảo tồn Động, Thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) - Chương trình tại Việt Nam phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã khảo sát thực địa và phát hiện nhiều đàn voọc chà vá chân xám tại khu vực rừng thuộc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân). Các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên và Trung tâm GreenViet đã đề ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Từ ngày 10-15/2/2023, các thành viên của GreenViet cùng cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân và người dân địa phương đã khảo sát thực địa tại các tiểu khu 50, 52, 53 và 61 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân với diện tích khoảng 1.700ha nhằm thu thập thông tin về hiện trạng quần thể, phân bố và đặc điểm sinh cảnh sống của loài voọc chà vá chân xám.
Anh Lê Công Tình, thành viên của Trung tâm GreenViet cho biết, khu vực rừng tự nhiên nơi đoàn khảo sát có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống suối với nhiều gồ đá. Thảm thực vật rừng với nhiều cây gỗ có đường kính lớn từ 50-100cm, nhiều tầng tán với các loài gỗ lớn. Để phát hiện và thu thập thông tin của đàn voọc chà vá chân xám, đoàn chia thành các nhóm nhỏ từ 2-3 người/nhóm để khảo sát trên các tuyến riêng biệt theo đường mòn, khe suối, những vùng sinh cảnh tiềm năng.
Các thành viên của đoàn quan sát bằng mắt thường và ống nhòm, đồng thời chú ý lắng nghe tiếng động, nhìn dấu vết ăn, mùi phân và nước tiểu của voọc. Khi bắt gặp voọc, các thành viên quan sát kỹ và đếm số lượng cá thể. Máy ảnh có ống kính chuyên dụng được sử dụng để chụp ảnh voọc. Thông tin ghi nhận chính gồm: thời gian, tọa độ bắt gặp, số lượng cá thể và cấu trúc đàn.
Kết quả, đoàn đã ghi nhận được 8 đàn voọc chà vá chân xám khác nhau với tổng số 30 cá thể, số lượng ước tính có thể lên đến 48 cá thể. Ngoài ra còn có 14 điểm ghi nhận dấu hiệu của voọc chà vá chân xám. Do vậy, các thành viên nhóm khảo sát ước tính có khoảng 15-20 đàn voọc chà vá chân xám đang sinh sống tại rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân.
Trong quá trình khảo sát, các thành viên nhận thấy việc săn bắt động vật hoang dã còn diễn ra thường xuyên ở mức độ nghiêm trọng tại khu vực rừng phòng hộ. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của voọc. Cụ thể, có 2 điểm đặt bẫy kẹp vẫn đang hoạt động; 4 điểm có lán trại của người đi rừng (trong lán trại còn ghi nhận dấu vết máu, lông và xương của voọc). Trong rừng vẫn còn nghe có tiếng súng săn. Trên các đường mòn dẫn vào rừng có rất nhiều dấu xe và dấu chân người đi lại.
Theo ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, ở một số tiểu khu thuộc lâm phần quản lý của Ban vẫn còn trường hợp người dân vào rừng đặt bẫy, săn bắt thú rừng. Rừng giáp ranh với các địa phương thuộc tỉnh Gia Lai nên rất khó quản lý người vào, ra và xử lý các trường hợp vi phạm. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân sẽ kiến nghị các địa phương giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên phối hợp trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân không săn bắt thú rừng. Qua đó, góp phần bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám hiện có tại địa phương.
Qua nghiên cứu, Trung tâm GreenViet nhận thấy: khu vực rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân tiếp giáp với các khu vực rừng tự nhiên liền kề thuộc huyện Kông Chro và huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) là khu vực có tiềm năng sinh sống của loài voọc chà vá chân xám. Tuy nhiên, sự tồn tại của loài này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình hình săn bắt diễn ra thường xuyên.
Để bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám, ông Hoàng Quốc Huy, Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet đề xuất: Tỉnh Phú Yên cần khảo sát thực địa mở rộng đối với toàn bộ diện tích rừng tiềm năng có loài voọc chà vá chân xám phân bố để có thông tin đầy đủ về quần thể loài này tại huyện Đồng Xuân. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên xúc tiến quy hoạch khu vực rừng phòng hộ tiềm năng thành khu vực rừng đặc dụng để có các định hướng quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân và lực lượng kiểm lâm địa bàn cần tăng cường tuần tra tháo gỡ bẫy, lán trại trái phép trong rừng; đồng thời thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân địa phương về giá trị đa dạng sinh học rừng, từ đó ngăn ngừa các hành vi trái phép.
Ngoài khu vực rừng tại huyện Đồng Xuân, voọc chà vá chân xám còn xuất hiện trong khu vực dân cư thuộc thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến (thành phố Tuy Hòa). Trung tâm GreenViet đã kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên xem xét thực hiện một đợt khảo sát tại khu vực rừng tự nhiên xã Hòa Kiến. Điều này nhằm xác định nguồn gốc của voọc để phát hiện các quần thể khác trong khu vực nếu có. Từ đây xây dựng phương án cứu hộ và di dời đàn voọc chà vá chân xám đến môi trường sống phù hợp.
Tường Quân