Cẩm Thủy huy động hơn 2.650 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Cẩm Thủy huy động hơn 2.650 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Giai đoạn 2016-2021, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 2.675 tỷ đồng vào xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 64 thôn nông đạt chuẩn thôn mới và 3 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân đạt 16,3 tiêu chí/xã.

Cẩm Thủy huy động hơn 2.650 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ảnh 1Cầu Cẩm Giang (huyện Cẩm Thủy) thiết kế 10 nhịp 33 m, rộng 4 m, 2 nhịp tránh xe rộng 6,5 m, giá trị xây lắp 30,5 tỷ đồng, là cầu dài nhất trong số các cầu dân sinh được xây dựng. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Hiện thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 22,8 đến nay tăng lên 38,3 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân của người dân ngày càng nâng cao. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo tại địa phương.

Để xây dựng nông thôn mới, huyện Cẩm Thủy đã vận động các xã, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, gắn phát triển các mô hình kinh tế mới với xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Năm 2020, huyện Cẩm Thủy đã huy động được 511 tỷ vào xây dựng nông thôn mới, từ nguồn vốn này huyện đã xây dựng được 51,5 km đường giao thông, 11,0 km kênh mương, 63 phòng học các cấp, 32,8 km đường điện sáng, nâng cấp các nhà văn hóa xã, nhà văn hoá và khu thể thao thôn, xây mới 463 nhà ở dân cư…

Về phát triển kinh tế cho người dân, huyện Cẩm Thủy đã thực hiện chuyển đổi được 87,61 ha đất chuyên trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, trồng được 72 ha diện tích cây gai xanh, trồng mới rừng được 805,4 ha, khai thác được 40.000 m3 gỗ rừng trồng các loại, trồng 1.600.000 cây luồng.. Nhờ thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Cẩm Thủy huy động hơn 2.650 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ảnh 2Cây Gai xanh được người dân trồng tại huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Tại xã Cẩm Tú, việc xây dựng nông thôn mới luôn được chính quyền và nhân dân hưởng ứng, người dân đã đóng góp ngày công, hiến đất làm đường, vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm. Nhờ đó, xã Cẩm Tú được tỉnh Thanh Hóa công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, đến nay xã đã xây dựng được 2/8 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là thôn Bình Xuyên và thôn Thuần Lương.

Thôn Thuần Lương là địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Từ năm 2015 trở lại đây, Ban quản lý thôn đã vận động người dân dồn điền đổi thửa, trồng các loài cây chủ lực như cây dưa chuột, củ đậu, táo tập trung phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Năm, thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú cho biết, năm 2010, bà xây dựng mô hình trang trại tổng hợp để nâng cao thu nhập nhưng kiến thức chưa có nhiều, nhờ được UBND xã Cẩm Tú chuyển giao khoa học, kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp nên bà đã có thêm nhiều giải pháp để phát triển trang trại.

Đến nay, trang trại của bà đang trồng khoảng 100 gốc cây táo, 20 gốc bưởi, 50 gốc mít và 300 con gà, 9 con lợn Hiện tại thu nhập một năm của gia đình bà Năm đạt 100 triệu đồng, ngoài ra bà cũng là người nhiệt tình và đi đầu trong vận đồng người dân địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới, vệ sinh đường làng và ngõ xóm.

Theo ông Nguyễn Đình Thảo, Trưởng thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú, nếu như năm 2015 thu nhập của thôn chỉ đạt 36,5 triệu đồng, đến nay thôn đã đạt 69,9 triệu đồng/người/ năm. Cuộc sống người dân khi xây dựng nông thôn mới nâng lên.

Cẩm Thủy huy động hơn 2.650 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ảnh 3Ông Lê Tiến Dũng ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy chăm sóc đàn gà của gia đình được nuôi theo tiêu chuẩn Vietgap. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Nói về những thành công trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú ông Nguyễn Xuân Phương cho hay, nhờ sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và người dân trong huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, thu nhập đầu người là 23 triệu đồng vào năm 2015 đến nay tăng lên 49 triệu đồng/người/năm, hiện xã đã có 2/8 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục giữ vững các tiêu chí và phấn đấu năm 2025 xã sẽ đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Mặc đã có nhiều kết quả tốt trong xây dựng nông thôn mới, thế nhưng vẫn còn một số hạn chế do một số xã đạt chỉ tiêu về số lượng tiêu chí nhưng chưa đạt tiêu chí đăng ký, các công trình được hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới tiến độ thực hiện chậm.Hơn nữa, việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở một số xã chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn một bộ phận người dân còn chưa chủ động trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, vẫn còn tư tưởng ngại khó.

Ông Phạm Minh Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy nhấn mạnh, thời gian tới, huyện sẽ huy động các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, sử dụng có hiệu quả quỹ đất lâm nghiệp hiện có, phát triển rừng theo hướng hiệu quả và bền vững, trồng rừng theo hướng thâm canh, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn. Huyện Cẩm Thủy phấn đấu trong 2021 sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2025 sẽ về đích là huyện nông thôn mới.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay tỉnh đang có 331 xã (sau khi sáp nhập một số xã), 8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 65 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Riêng khu vực miền núi đang có khoảng 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân được nâng cao, góp phần xây dựng khu vực các huyện nghèo miền núi ngày càng phát triển hơn.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm