Cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Kiên Giang

Cắt băng khánh thành cầu nông thôn kênh 1.500 ở xã Hưng Yên (An Biên, Kiên Giang). Ảnh: Lê Sen – TTXVN
Cắt băng khánh thành cầu nông thôn kênh 1.500 ở xã Hưng Yên (An Biên, Kiên Giang). Ảnh: Lê Sen – TTXVN

Từ năm 2012 đến nay, với nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh và các nguồn lực khác, Kiên Giang đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Kiên Giang ảnh 1Cắt băng khánh thành cầu nông thôn kênh 1.500 ở xã Hưng Yên (An Biên, Kiên Giang). Ảnh: Lê Sen – TTXVN

Hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, thoát nghèo

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, bằng nhiều nguồn vốn trong 10 năm qua, tỉnh hỗ trợ cho hơn 7.420 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng. Các chương trình tín dụng đã cho 18.128 lượt hộ đồng bào vay hơn 211 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện và nâng lên đời sống.

Mặt khác, tỉnh hỗ trợ cho hơn 115.000 người ở các xã thuộc vùng khó khăn với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở các xã thuộc vùng khó khăn. Tỉnh còn hỗ trợ đất ở cho 635 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, với kinh phí gần 21 tỷ đồng.

Được hỗ trợ vốn và hướng dẫn sản xuất, kinh doanh của đoàn thể, địa phương và người có uy tín, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nỗ lực phát triển kinh tế gia đình đạt hiệu quả, xóa nghèo, vượt qua khó khăn. Điển hình như nông dân Danh Mạnh, dân tộc Khmer ở xã Phi Thông (thành phố Rạch Giá) thành công với mô hình trồng rau sạch, xóa nghèo, vươn lên làm giàu đã vận động, hỗ trợ, hướng dẫn họ hàng, người thân và bà con trong xóm ấp phát triển kinh tế gia đình, chuyển sang trồng rau sạch cung ứng cho thành phố Rạch Giá và các khu vực lân cận.

Thượng tọa Danh Dỗ, dân tộc Khmer, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Giồng Riềng, Trụ trì chùa Cây Trôm, xã Bàn Thạch đã khuyến cáo, vận động đồng bào phật tử phát triển sản xuất nông nghiệp với mô hình xen canh cây lúa và trồng rau màu theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp đạt hiệu quả, hàng năm đem lại hai nguồn lợi kinh tế trên một diện tích sản xuất là lúa và hoa màu.

Đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội

Tỉnh Kiên Giang sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở những xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng sâu, vùng xa và xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình 135, tỉnh đầu tư gần 80 tỷ đồng xây dựng 121 công trình như: Cầu và đường giao thông, nạo vét kênh thủy lợi, xây dựng trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt… Song song đó, các ngành, các cấp thực hiện các chương trình, dự án khác xây dựng kết cấu hạ tầng, gồm: Cầu và đường giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt… trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết, ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỉnh đã huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, các tổ chức từ thiện xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã vận động xây trên 2.000 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó khăn; xây dựng hơn 50 cầu bê tông, 800 cây nước bơm tay, hàng chục km đường giao thông nông thôn, hỗ trợ cải thiện đời sống hộ nghèo khó khăn và cận nghèo… vùng đồng bào dân tộc thiểu số trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Kiên Giang hiện có 32/49 xã vùng dân tộc thiểu số đạt xã nông thôn mới. Đến nay, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn 2.393 hộ, chiếm 3,4%; hộ cận nghèo giảm còn 4.539 hộ, chiếm 6,45 %.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc chia sẻ, tỉnh tăng cường nắm tình hình đời sống, kinh tế và nhất là tác động của đại dịch COVID-19 đến đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tỉnh có những giải pháp phù hợp, đảm bảo ổn định đời sống cho đồng bào. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tỉnh có liên quan triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Cùng đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, tăng trưởng nguồn vốn cho vay trong giai đoạn 2021-2030 đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số để không tái nghèo, thoát nghèo bền vững, có điều kiện vươn lên khá giàu; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Kiên Giang chú trọng vận động tạo việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức như kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, dịch vụ… Bên cạnh đó, tỉnh tuyên truyền, vận động lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh để có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm