Những ngày cuối tháng 8, nhiều trường học được xây mới, sửa chữa nâng cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được hoàn thiện, bàn giao cho các nhà trường để kịp chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Qua đó, mang đến niềm vui, sự phấn khởi cho thầy và trò trong Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Năm nay, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Pì, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn được bàn giao 10 phòng học và dãy nhà bán trú, bếp ăn kiên cố xây mới, trị giá 28,6 tỉ đồng. Thầy Bùi Văn Nhiệt, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thầy, cô giáo và học sinh rất phấn khởi khi được học tập, làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang, không còn khó khăn về chỗ ăn, ở như trước. Thời điểm này, các thầy cô giáo đang dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ sạch sẽ, gọn gàng để kịp đón học sinh trở lại trường vào ngày khai giảng.
Tương tự, điểm trường trung tâm của Trường Mầm non Nập Pì cũng được bàn giao một dãy nhà 2 tầng để kịp sử dụng cho năm học mới. Cô giáo Hoàng Thị Khởi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên và phụ huynh rất phấn khởi vì năm nay con em được học trong các phòng học mới khang trang, đảm bảo về cơ sở vật chất. Trường có 9 điểm trường nằm ở các bản, chỉ còn 1 điểm trường là nhà lắp ghép. Cô Khởi mong muốn, điểm trường còn lại sớm được ngành giáo dục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.
Năm học 2024-2025, huyện Nậm Nhùn có 28 trường, 384 lớp và hơn 9.700 học sinh. Ông Trần Quang Tráng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn cho biết: Năm nay, Phòng đã tiếp nhận 13 công trình được đầu tư xây mới và sửa chữa từ các nguồn của huyện và tỉnh; trong đó, có 6 công trình xây mới, 7 công trình sửa chữa nâng cấp. Để chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới, đơn vị đã rà soát những nhu cầu thiết yếu của các trường học. Phòng đề xuất UBND huyện xây mới, sửa chữa các đơn vị trường bằng các nguồn đầu tư. Bên cạnh đó, Phòng cũng chủ động rà soát, mua sắm các trang thiết bị dạy và học còn thiếu; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập và chuẩn bị tốt việc nuôi dưỡng học sinh bán trú khi học sinh trở lại trường…
Tại huyện Phong Thổ, nhiều trường học cũng được xây thêm các dãy nhà hoặc sửa chữa các phòng học, nhà giáo vụ, nhà bán trú… Theo ông Trần Viết Điệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Phong Thổ, đơn vị đang quản lý 18 dự án bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học trên toàn huyện với tổng kinh phí gần 140 tỉ đồng từ nhiều nguồn vốn, chương trình khác nhau. Đến nay, có 9 dự án hoàn thành bàn giao cho năm học trước, 3 dự án bàn giao đầu năm học 2024-2025. Những dự án còn lại, đơn vị sẽ cố gắng hoàn thành đúng và vượt tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Năm học này, toàn ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu dự kiến có 335 trường, 5.206 lớp, 150.389 học sinh. Tỷ lệ kiên cố trường học đạt 99,7%; phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 98,9%. Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các huyện, thành phố rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa...; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo vị trí việc làm phù hợp thực tế địa phương.
Bà Nghiêm Thị Kim Huê, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, toàn tỉnh đã sửa chữa 175 phòng học, 167 công trình phụ trợ như: Nhà ăn, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập… để kịp thời phục vụ năm học mới. Ngành cũng thực hiện quy trình mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp 5, 9, 12 và mua sắm thiết bị bổ sung cho các lớp còn lại. Các trường phổ thông dân tộc nội trú đẩy nhanh tiến độ mua sắm học phẩm, sách giáo khoa, trang thiết bị ban đầu cấp phát cho học sinh nội trú. Các cơ sở giáo dục chủ động tuyên truyền để phụ huynh học sinh kịp thời mua sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập cho con em mình. Các đơn vị kêu gọi đóng góp xã hội hóa về sách giáo khoa, vở viết; phấn đấu đầu năm học mới toàn bộ học sinh có đủ sách giáo khoa để học.
Hiện Lai Châu còn thiếu 972 giáo viên ở các cấp học. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp phù hợp thực tế của địa phương; tuyển dụng, hợp đồng đào tạo đủ số lượng giáo viên nhất là các môn đang còn thiếu. Sở tổ chức linh hoạt các phương án dạy học; sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên; đồng thời, cử tuyển học sinh đi học các ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số để đảm bảo nguồn tuyển dụng giáo viên....
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là khai giảng năm học mới 2024-2025, công tác chuẩn bị đang được các nhà trường, địa phương gấp rút hoàn tất những phần việc còn lại để đón học sinh quay lại trường. Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục Lai Châu quyết tâm vượt khó, hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm học mới.
Nguyễn Oanh