![]() |
Một ca mổ cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk. Ảnh:Dương Ngọc - TTXVN |
Trong đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ cử tuyển, các trường chú trọng cho học viên được thực hành lâm sàng, kỹ năng cấp cứu cơ bản nhiều hơn (vì chủ yếu đào tạo bác sĩ cho tuyến cơ sở xã, phường). Các tỉnh cũng xây dựng các dự án, chương trình đào tạo ngắn hạn, cập nhật kiến thức, đào tạo chuyên khoa sơ bộ, sau đại học cho các bác sĩ cử tuyển sau khi ra trường để cán bộ y tế có điều kiện trau dồi nghề nghiệp, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn sau đào tạo.
Mặt khác, các tỉnh Tây Nguyên cũng áp dụng khá tốt các hình thức đào tạo tại chỗ bằng cách cử các đoàn cán bộ tăng cường (các bác sĩ tăng cường) từ tuyến trên đến hỗ trợ cho các bác sĩ tuyến dưới theo hình thức cầm tay chỉ việc nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế ở cơ sở…Học viện Quân y, Khoa Y - Trường Đại học Tây Nguyên đã đào tạo hàng ngàn bác sĩ cho 5 tỉnh Tây Nguyên.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục triển khai chính sách cử tuyển, hợp đồng đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ; đồng thời, đề nghị các trường chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng thực hành để đảm bảo cán bộ khi ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng làm việc độc lập tại cơ sở y tế. Các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng cường quản lý tốt hơn nữa cán bộ sau đào tạo, nhất là phối hợp với việc thực hiện chính sách thu hút cán bộ phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả, ổn định nguồn nhân lực y tế làm việc tại tuyến cơ sở.
Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 88,4% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 61,4% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tại các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, 100% số trạm y tế có bác sĩ làm việc.