Đường đến điểm trường của giáo viên mầm non bản Suối Tiếu, xã Đá Đỏ. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Từ khu trung tâm của Trường Mầm non Bình Minh, xã Đá Đỏ, chúng tôi theo chân giáo viên ở đây đến các điểm trường lẻ. Các giáo viên cho biết, quãng đường từ khu trung tâm tới điểm trường lẻ xa nhất thuộc bản Suối Tiếu dài khoảng 20 km. Vào những ngày không có mưa, nếu người nào tay lái “cứng” có thể đến được điểm trường trong vòng một giờ, còn các cô giáo sẽ mất nhiều thời gian hơn. Gọi là con đường nhưng thực tế ở đây chỉ là những lối mòn băng qua nương rẫy của người dân. Vượt qua những con dốc dựng đứng, trơn trượt rồi đi xuyên qua nương ngô, nương sắn nằm trên núi, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt tại điểm trường Suối Tiếu.
Giáo viên điểm trường mầm non Suối Tiếu, xã Đá Đỏ, vận động phụ huynh cho học sinh đến lớp. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Điểm trường Suối Tiếu có 3 lớp học của bậc Mầm non và Tiểu học. Học sinh của điểm trường 100% là người Dao. Do cách xa trung tâm xã nên các giáo viên phải ở lại, đến ngày cuối tuần mới về nhà. Trong ba giáo viên dạy ở điểm trường có một người là nữ, phụ trách lớp học Mầm non. Là giáo viên nữ, lại mới nhận công tác giảng dạy ở điểm trường khó khăn và xa nhà, cô Lò Thị Linh thấu hiểu hơn ai hết những gian nan, vất vả khi ở đây. Cô giáo Lò Thị Linh chia sẻ, cô công tác ở đây được hơn một năm, vừa vào nghề, được phân công phụ trách lớp học ở điểm lẻ, lại xa trung tâm nhất, ban đầu còn rất bỡ ngỡ. “Công tác ở điểm trường vùng cao nên khó khăn có ở mọi nơi, từ tâm lý đến sức khỏe rồi vấn đề ăn ở, sinh hoạt. Thời gian đầu chưa quen, tuần nào, cô cũng bị ngã xe, một tuần phải sửa xe một lần”, cô Lò Thị Linh chia sẻ. Do điểm trường đóng ở bản vùng cao không có chợ, việc mua sắm lương thực, thực phẩm của các giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo việc ăn uống hàng ngày, các giáo viên phải mang theo đồ ăn, thức uống từ nhà đến. Cô giáo Lò Thị Linh cho biết, dù nhà cách xa gần 80 km nhưng tuần nào cô cũng về nhà một lần vừa để thăm gia đình vừa mua thêm nhu yếu phẩm. Thực phẩm mang đi chủ yếu là đồ khô như mì tôm, cá khô, lạc… bởi những loại này bảo quản được lâu. Thịt, cá do phải gửi ở nhà dân cũng bất tiện, vì thế hạn chế mang lên. Là giáo viên “cắm bản”, cô phải chuẩn bị các loại thuốc cơ bản đầy đủ ở trong phòng, để lúc ốm đau cần dùng là có ngay.
Giờ học của cô và trò lớp mầm non tại điểm trường Suối Tiếu, xã Đá Đỏ. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Điều kiện ăn ở, giảng dạy ở điểm trường vùng cao vất vả là vậy, nhưng không vì thế mà khiến các giáo viên ở đây nản lòng, bởi họ luôn được người dân quý trọng, yêu mến. Cô Lò Thị Linh chia sẻ: Trong thời gian công tác ở đây, kỷ niệm đáng nhớ nhất và vào dịp Trung thu năm ngoái, khi đó cô vừa mới “chân ướt, chân ráo” lên nhận công tác ở điểm trường, chưa quen biết ai nên còn rất lạ lẫm. Tối hôm đó, cô được đoàn thanh niên bản mời xuống, không biết để làm gì. Xuống đến nơi, cô rất ngạc nhiên khi biết mọi người tổ chức Trung thu cho các con và chào đón cô giáo mới. Đấy là kỷ niệm rất vui và xúc động. Cô cảm thấy mình rất gắn bó với người dân ở đây. Bởi người dân và các con rất quý các thầy cô giáo. “Đặc biệt do phong tục tập quán của người Dao, ở đây vào các ngày lễ như tết thanh minh, lễ lập tịnh, người dân thường làm các loại cơm đủ sắc màu. Sau đó, mỗi học sinh chỉ có một gói cơm nhỏ bằng nắm tay nhưng cũng mang lên cho cô giáo. Không cần phải điều gì xa xôi, chỉ cần như thế là mình đã hiểu được tình cảm của người dân đối với mình”, cô Lò Thị Linh xúc động nói.
Giờ lên lớp của học sinh tiểu học tại điểm trường Suối Tiếu, xã Đá Đỏ. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN |
Cùng với cô giáo Lò Thị Linh, tại điểm trường Suối Tiếu còn có các thầy giáo giảng dạy ở bậc tiểu học. Có thâm niên hơn 20 năm công tác, thầy giáo Đinh Văn Anh đã có 10 lần được luân chuyển lên công tác tại điểm trường vùng cao này. Tính ra khoảng thời gian thầy giảng dạy ở điểm trường này đã gần 8 năm. Thầy Đinh Văn Anh chia sẻ, do có gia đình ở ngay trung tâm xã nên thầy không phải đi xa bằng các cô giáo mầm non ở nơi khác đến dạy, nhưng đường từ nhà thầy đến trường đi lại rất khó khăn, đặc biệt là vào những ngày mưa rất lầy lội. Con đường chính không đi được, thầy phải đi bộ vòng sang bản khác nên mất nhiều thời gian hơn. Cùng sinh hoạt trong môi trường chung, là người đi trước có kinh nghiệm nên thầy luôn động viên, giúp đỡ các giáo viên vừa mới ra trường để họ cố gắng hoàn thành tốt công tác giảng dạy. Đánh giá về vai trò của các giáo viên “cắm bản” anh Đặng Văn Óc, Trưởng bản Suối Tiếu, xã Đá Đỏ cho biết, cả bản hiện có gần 100 hộ, trong đó có hơn 80 hộ nghèo và cận nghèo. Mặc dù điều kiện của người dân rất khó khăn nhưng đồng bào luôn tạo điều kiện để các thầy cô yên tâm bám trường, bám lớp. Người dân trong bản ai cũng quý các thầy cô, vì họ đã vượt nhiều khó khăn để đến với bản, mang con chữ cho con em vùng cao. Mỗi khi đường đi lại bị sạt sở, người dân lại cùng huy động đóng góp để sửa đường, giúp việc đi lại của thầy cô giáo được thuận lợi hơn. Nếu điểm nào các thầy cô không đi được, các thầy cô sẽ gọi điện để dân bản đến đón cho kịp giờ lên lớp.
Giáo viên điểm trường bản Suối Tiếu hái rau để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Cô Lường Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh, xã Đá Đỏ cho biết thêm, khó khăn nhất đối với các giáo viên bám bản là đường sá mùa mưa rất vất vả, có những lúc thầy cô phải đi thuyền để đến trường trung tâm, sau đó mới đi bộ lên các điểm trường giảng dạy. Ngoài ra, trường có nhiều cơ sở, điểm lẻ cách xa trung tâm, khoảng cách giữa các điểm trường quá xa nhau, lớp học ghép 3 độ tuổi, 100% học sinh là dân tộc thiểu số nên cũng ảnh hưởng đến công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Vì thế, các giáo viên “cắm bản” không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Nguyện vọng của các giáo viên cắm bản là sau 3 năm công tác ở vùng khó khăn theo quy chế sẽ được chuyển về những vùng thuận lợi hơn để công tác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và có điều kiện chăm lo cho gia đình. Đến điểm trường Suối Tiếu, chúng tôi càng thêm khâm phục nghị lực của các giáo viên nơi đây khi nghe cô giáo Lò Thị Linh khẳng định: “ Công tác ở điểm trường vùng cao là không ngại khó, ngại khổ..."
Hữu Quyết – Nguyễn Chiến