Thành phố Cần Thơ hiện có 92 sản phẩm được công nhận và xếp loại sản phẩm OCOP. So với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Cần Thơ còn khá khiêm tốn nhưng địa phương đã chú trọng về chất lượng. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Cần Thơ, các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP đều dễ tìm đầu ra. Nhờ đó, chủ thể OCOP tăng doanh thu hơn 22% và lợi nhuận tăng 18% so với trước khi được công nhận. Đây là tiêu chuẩn trong kinh doanh rất hấp dẫn.
* Nhiều người biết đến sản phẩm
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hygie và Panacee có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hygie và Panacee cũng là một trong hai chủ thể có sản phẩm OCOP được gửi về Trung ương để đánh giá, xếp hạng sản phẩm 5 sao. Hiện bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hygie và Panacee đang xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài (đây là một yếu tố để hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm 5 sao).
Bà Hồng Thắm cũng cho biết, từ khi được công nhận 4 sao, sản phẩm dược trà Hygie được sở, ngành tạo điều kiện tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, góp phần tăng số lượng sản phẩm được tiêu thụ và đông đảo người dân biết đến.
Với chứng nhận 4 sao được UBND thành phố Cần Thơ trao vào tháng 7/2022, nước mắm Tư Hon (phường Phước Thới, quận Ô Môn) - sản phẩm làm từ nguyên liệu là con cá sặc rằn (loài cá đồng ở miền Tây) được nhiều người biết đến; từ đó, số lượng nước mắm bán ra thị trường tăng hơn 50% so với trước đây.
Theo bà Trần Thị Mỹ Phương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tư Hon, mặc dù công nghệ đầu tư sản xuất nước mắm đã có từ lâu, nước mắm Tư Hon cũng là sản phẩm truyền thống "3 đời" nhưng từ khi được chứng nhận OCOP 4 sao thì "tên tuổi" mới vươn xa. Vì nước mắm được làm từ con cái sặc rằn nên rất được người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng.
"Các sản phẩm OCOP trên địa bàn quận sau khi được chứng nhận doanh thu bán ra cao gấp nhiều lần so với trước lúc được chứng nhận. Những cơ sở làm ra sản phẩm đặc trưng cũng mong muốn được chứng nhận như lời khẳng định sản phẩm chất lượng trên thị trường", ông Trương Tấn Lực, Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt cho biết.
Nhờ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm mà các sản phẩm địa phương như được chắp thêm đôi cánh để vươn ra thị trường rộng lớn hơn. Nhưng không phải vì thế mà các chủ thể OCOP trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước mãi. Theo các chủ thể OCOP chính thị trường, nhu cầu tiêu dùng của khách ngày càng chú trọng đến chất lượng, hình thức đã kích thích được sự đầu tư, sáng tạo của các chủ thể sản phẩm OCOP để thu hút được sự lựa chọn của khách hàng.
Mặc dù, từ khi sản phẩm được công nhận OCOP, là một lợi thế nhưng theo bà Đoàn Thị Hồng Thắm, bản thân doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm nên tự thân phát triển sản phẩm không nên quá trông chờ vào nhà nước hỗ trợ mà phải biết khắc phục những khó khăn, tìm kiếm cơ hội để tiếp tục phát triển. Bởi có nhiều sản phẩm địa phương khác cũng cần được hỗ trợ.
*Đánh giá, xem xét sản phẩm chặt chẽ
Đến thời điểm nay, Thốt Nốt là địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP. Với 26 sản phẩm được chứng nhận OCOP; trong đó có sản phẩm từ cá tra (khô cá tra sấy khô ăn liền và khô cá tra một nắng của Công ty Phúc Minh Thành) được Văn phòng Điều phối Trung ương gợi ý làm hồ sơ để đưa lên Trung ương xem xét xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao.
Để làm được điều này, ông Trương Tiến Lực, Trưởng phòng kinh tế quận Thốt Nốt cho biết, phòng kinh tế quận thường xuyên tham mưu những sản phẩm đặc trưng của địa phương đến UBND quận, sau đó mở lớp tập huấn, hướng dẫn các điều kiện cho các cơ sở, chủ sở hữu sản phẩm đủ điều kiện đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quận và cấp thành phố.
Hầu hết các sản phẩm của quận đưa lên cấp thành phố xem xét, đánh giá lần 2 để xếp hạng đều sát với số điểm mà quận chấm. Bởi lẽ, Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quận luôn chặt chẽ, các tiêu chí đánh giá rất sâu, đặc biết chú trọng đến tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm nên không lệch so với thành phố.
Ông Tiến lực cũng cho biết, Phòng Kinh tế Thốt Nốt đã tham mưu cho UBND quận ban hành kế hoạch vừa xây dựng các sản phẩm tiền OCOP cho những năm tiếp theo, vừa hướng dẫn hỗ trợ cho những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 - 4 sao cấp thành phố nâng chất, bổ sung những tiêu chí còn thiếu (mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm,...) và hỗ trợ chủ thể các sản phẩm OCOP tiếp xúc, liên kết thị trường để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu,...
So với kế hoạch, năm 2022, số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP vượt kế hoạch. Theo kế hoạch, năm 2022, thành phố sẽ công nhận khoảng 20 - 25 sản phẩm OCOP và có một sản phẩm đạt chuẩn 5 sao nhưng đến nay đánh giá và xếp hạng 51 sản phẩm OCOP và đang xúc tiến, hướng dẫn 2 sản phẩm OCOP ở quận Ninh Kiều (trà thảo dược Hygie và Panacee) và Thốt Nốt (sản phẩm cá tra sấy khô và cá tra ăn liền) hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm OCOP 5 sao để gửi lên Trung ương xem xét xếp hạng.
Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Cần Thơ cho biết, với đặc thù là sản phẩm địa phương nên trước đây các chủ thể sản phẩm OCOP thường chỉ chú trọng đến chất lượng mà chưa quan tâm đến mẫu mã. Tuy nhiên, sản phẩm sau khi được xếp hạng nhận OCOP, được góp ý của Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, cũng như khách hàng góp ý thì mẫu mã, sở hữu trí tuệ, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, bao bì, mẫu mã, nhãn mác của sản phẩm OCOP được hoàn thiện hơn.
Để tiếp tục xây dựng, nâng chất sản phẩm OCOP, địa phương sẽ mở rộng "Mỗi phường, xã một sản phẩm" ở các quận, huyện. Hiện nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Cần Thơ dựa vào hướng dẫn, trình tự, thủ tục của Trung ương xếp hạng sản phẩm OCOP ở các quận, huyện chặt chẽ, khoa học, hướng đến các sản phẩm an toàn, chất lượng.
Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố cũng phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án tài sản trí tuệ đối với những sản phẩm OCOP được xét công nhận và được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt.
Năm 2022, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Cần Thơ cũng phối hợp với Trung tâm Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại hỗ trợ các chủ sở hữu sản phẩm OCOP hoàn thiện thiết kế bao bì, nhãn mác, ghi nhận trên mẫu mã sản phẩm đúng về mặt khoa học công nghệ.
Thu Hiền