Từ ngày 1 đến 31/1/2021 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa đặc sắc góp phần bảo tồn, phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng nhau phát triển nhân dịp đầu năm mới 2021.
Các hoạt động với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Bahnar, Xê Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày tại Làng.
Hoạt động “Làng và những sắc hoa” với điểm nhấn “Phiên chợ vùng cao chào xuân 2021” được tổ chức vào những ngày đầu năm. Bên cạnh đó là hoạt động chuyên đề điểm nhấn “Vui xuân đón Tết” với Chương trình “Điệu xòe ngày xuân” và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc, tiêu biểu là văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Dân tộc Thái vốn có kho tàng văn hoá dân gian rất phong phú, nổi bật là những điệu xòe duyên dáng làm say lòng người. Múa xòe thường diễn ra vào các dịp lễ tết như mừng được mùa, mừng nhà mới, khi gieo hạt, du xuân… trong đó, xòe du xuân không chỉ mang không khí nồng say, ấm áp mà còn tươi mới như chính tên gọi của nó.
Tái hiện Tết Gơ rơ của đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An: Vào dịp cuối năm, khắp các bản làng người Khơ Mú, nhà nhà đều lo sắm sửa bình rượu cần để chuẩn bị vui Xuân, đón Tết, đồng bào Khơ Mú gọi là Tết Gơ rơ, một cái Tết cổ truyền của người Khơ Mú.
Tết đến, Xuân về, tại khu các Làng dân tộc, các đồng bào đang hoạt động tại Làng nô nức chuẩn bị trang trí không gian đón Tết. Bên trong nhà: Bày mâm ngũ quả, cành đào; treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục ngày tết của các dân tộc. Bên ngoài: Trang trí cổng, không gian xung quanh, lối đi vào và không gian tổ chức trò chơi dân gian. Trang trí tiểu cảnh điểm nhấn để du khách chụp hình, chăm sóc cây hoa ngày Tết...
Vào các dịp cuối tuần, các nhóm nghệ nhân đang hoạt động tại Làng sẽ có các chương trình nghệ thuật giao lưu văn hóa dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân: múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông,... Tổ chức hoạt động giới thiệu quy trình làm bánh, gói bánh, du khách trải nghiệm gói bánh, dạy gói bánh truyền thống và nấu bánh tại không gian các làng dân tộc: bánh Chưng tại các làng Mường, Thái, Tày, Dao, Khơ Mú, Mông. Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, kéo co... và Chương trình dân ca, dân vũ “Xuân Tây Nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại Làng.
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Hoàng Tâm