Anh Tạ Hoàng Long, tại Kim Mã Thượng (Hà Nội) cho rằng, giá xăng giảm liên tục trong thời gian vừa qua là tín hiệu rất mừng với người dân nhất là khi dịp Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao. Nhưng giá cước các dịch vụ vận tải và giá cả tiêu dùng vẫn giữ nguyên là khó chấp nhận. Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đối với các doanh nghiệp hoạt động taxi, có rất nhiều doanh nghiệp còn chây ì giảm cước. Do đó, hiệp hội cũng đề nghị đối với những doanh nghiệp cố tình chây ì, cần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
|
Để thuận tiện cho người tiêu dùng, ông Liên kiến nghị, Nhà nước và cơ quan quản lý cần thông báo công khai giá cước của các hãng taxi, để người tiêu dùng lựa chọn, biểu dương những doanh nghiệp thực hiện giảm giá cước, chia sẻ với người tiêu dùng. Theo ông Liên, hiệp hội đã đề xuất giải pháp này nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện được. Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp phải tăng cường liên kết, có thể áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý để hạn chế việc xe chạy rỗng trên đường, từ đó giảm tiêu hao xăng và lao động của lái xe để giảm giá cước. Cuối cùng, phía cơ quan Nhà nước, Bộ Tài chính cùng hiệp hội và các doanh nghiệp có thể cùng bàn bạc để xây dựng, đưa ra biểu giá, biên độ tăng giảm phí vận tải tương ứng với biến động của giá xăng dầu. Đó sẽ là cơ sở để doanh nghiệp chấp hành quy hoạch điều chỉnh cước và phía cơ quan quản lý cũng sẽ có cơ sở để tiến hành giám sát. Đại diện doanh nghiệp taxi, ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch Công ty Taxi Hương Lúa cho hay, sự quan tâm, đòi hỏi của dư luận là hợp lý, chính đáng. Công ty đã xây dựng kế hoạch giảm cước ở mức 500 đồng/km, cân đối lượng khách hàng và thu nhập của người lao động. Sắp tới sẽ tiến hành họp bàn cùng các doanh nghiệp trong hiệp hội để quyết định giảm giá. Ông Sáu cũng cho biết, thời gian qua, doanh thu của doanh nghiệp và anh em lái xe cũng bị giảm do cạnh tranh với các ứng dụng Uber, Grab... Thời gian tới, nếu phía các cơ quan, cùng hiệp hội, doanh nghiệp có thể trao đổi, tính toán đưa ra mức biểu giá, biên độ tăng giảm để cân bằng lợi ích cho doanh nghiệp - người lao động - người tiêu dùng thì công ty rất ủng hộ và sẵn sàng chấp hành. Đối với các mặt hàng tiêu dùng, qua khảo sát của của phóng viên tại các chợ đầu mối, Chợ Mơ... trong ngày 6/1 cho thấy giá cả các loại thực phẩm vẫn giữ nguyên so với những ngày cuối năm 2015. Cụ thể, giá thịt bò vẫn ở mức từ 230.000 - 240.000 đồng/kg, giá gà ta từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, đùi gà 70.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn giá 100.000 - 110.000 đồng/kg. Giá trứng gà, vịt vẫn giữ ở mức 30.000 - 35.000 đồng/chục quả. Các loại rau, quả đều có mức tăng nhẹ 1.000 - 3.000 đồng so với những tháng trước đó. Rau cải xanh ở mức 7.000 đồng/mớ, cải ngọt 8.000 đồng/mớ, cà chua 17.000 đồng/kg, khoai tây 12.000 đồng/kg... Chị Nguyễn Thị Hương, bán rau tại khu vực Chợ Mơ (Hà Nội) cho biết, hiện đang trong thời gian cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên giá cả nhiều mặt hàng khó có thể giảm, đặc biệt là các loại rau củ quả. Trong khi đó giá vận chuyển không giảm nên các đầu mối, thương lái vẫn giữ nguyên giá hàng hóa. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng, giá xăng giảm cũng sẽ khó tác động được tới giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Bởi do khâu phân phối hàng hóa còn yếu kém, thì giá hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng sẽ bị đẩy lên cao. Giá rau sạch tại ruộng chỉ 2.000 - 4.000 đồng, nhưng khi lên đến các chợ thì giá lên đến cả chục nghìn; thịt lợn hơi ở mức 40.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán tại chợ vẫn khoảng 100.000 đồng/kg. Do vậy, phải làm tốt khâu phân phối; trong đó cần phải giảm bớt các kênh phân phối trung gian; phải kết nối doanh nghiệp sản xuất và cung ứng để đưa hàng đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất và giá rẻ nhất...
Báo Tin Tức