Các địa phương tăng cường phòng chống rét cho cây trồng, thủy sản

Ngoài việc quây bạt kín, anh Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, còn thắp cả đèn để sưởi ấm cho cá. Ảnh: Công Luật - TTXVN
Ngoài việc quây bạt kín, anh Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, còn thắp cả đèn để sưởi ấm cho cá. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Trước tình hình rét đậm, rét hại có chiều hướng gia tăng, nhiệt độ nhiều ngày xuống dưới 10 độ C, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho con nuôi, đặc biệt là một số loài có sức chịu lạnh kém như: cá rô phi, cá diêu hồng, cá quả, tôm…

Các địa phương tăng cường phòng chống rét cho cây trồng, thủy sản ảnh 1Ngoài việc quây bạt kín, anh Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, còn thắp cả đèn để sưởi ấm cho cá. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Ba ao nuôi cá quả rộng khoảng 5.000 m2 của gia đình anh Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc thời điểm này đã được che chắn cẩn thận. Ngoài việc đầu tư mua hàng nghìn m2 bạt quây quanh bờ ao để che hướng gió, đầu tư hệ thống khung sắt kiên cố để căng kín bạt trên mặt ao, những diện tích nuôi cá giống anh Quyên còn thắp cả đèn để sưởi ấm cho cá.

Anh Quyên cho biết, khu vực ao nuôi của gia đình rộng khoảng 2,3 ha, thả các loại cá như: cá trắm đen, cá koi, cá quả. Do đặc tính của cá quả chịu lạnh rất kém nên trước khi bước vào mùa đông anh đã chủ động mua bạt quây quanh bờ ao để che hướng gió, những ao nuôi có diện tích nhỏ thì làm khung sắt quây bạt sát mặt ao làm nơi trú ẩn cho cá, đồng thời thường xuyên bơm thêm nước giếng khoan để tăng độ ấm cho nước dưới ao.

Tương tự như gia đình Trần Văn Quyên, thời điểm này nhiều hộ dân ở vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc cũng đang khuẩn trương tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho con nuôi thủy sản trước những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Ông Trần Công Vịnh, người dân trong xã cho biết, dự báo thời tiết những ngày sắp tới sẽ có những đợt không khí lạnh tăng cường nên gia đình đã mua thêm bạt che trên mặt ao và đóng bè bằng tre nứa thả xuống đáy để cá trú ẩn, tránh rét. Đối với những ao cá giống sẽ thắp thêm đèn, thả bèo và bơm thêm nước giếng khoan để giữ ấm, đồng thời bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cá.

Những năm gần đây, người dân tại các huyện: Mỹ Lộc, Xuân Trường, Ý Yên đã tận dụng diện tích mặt nước trên sông Hồng, sông Ninh Cơ để phát triển nghề nuôi cá lồng. Trước khi không khí lạnh tràn về, các hộ nuôi cũng đã có nhiều biện pháp chống rét nhằm hạn chế thiệt hại.
Ông Nguyễn Xuân Tung, một hộ nuôi cá lồng lớn tại xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường cho biết, thời tiết rét đậm cá nuôi tại các lồng trên sông rất dễ bị bệnh vì vậy gia đình đã chủ động di chuyển lồng bè đến nơi ít gió và hạ thấp lồng nuôi để giữ ấm cho cá, đồng thời thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ nhằm hạn chế mầm bệnh phát sinh gây hại cho cá.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định, người nuôi thủy sản trên địa bàn cần thường xuyên theo dõi thông tin về diễn biến tình hình thời tiết để chủ động các biện pháp phòng tránh rét; cần che kín ao bằng bạt ni lông, bèo, xốp chắn gió; làm sọt tre chứa nhiều rơm rạ cắm xuống đáy ao làm nơi trú rét cho cá; không cho cá ăn quá nhiều, không đánh bắt cá trong những ngày nhiệt độ xuống thấp; đồng thời tăng cường bơm thêm nước giếng khoan vào ao khi thời tiết rét đậm; duy trì mực nước trong ao từ 2,5m trở lên…

Ông Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định) cho biết: Ngoài việc che bạt ngăn gió, giữ nhiệt độ cho nước trong ao nuôi, người nuôi cần cho ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, bổ sung thêm Vitamin C và khoáng chất để tăng sức đề kháng. Đối với những đối tượng nuôi thương phẩm đạt kích cỡ, khi nhiệt độ xuống quá thấp cần thu hoạch ngay tránh gây thiệt hại cho nuôi trồng thuỷ sản.

Năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Nam Định khoảng 16.000 ha, trong đó diện tích nuôi thuỷ sản nước ngọt là 9.800 ha, thủy sản mặn lợ là 6.200ha. Các đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống (trắm, trôi, chép), cá diêu hồng, tôm sú, tôm thẻ chân trắng...

Tại Hà Tĩnh do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong thời gian này, nhiều diện tích lúa và mạ đã gieo bị ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển. Bà con các địa phương tập trung phòng chống rét cho cây lúa bằng các biện pháp chăm bón hợp lý và che phủ nilon.

Đến nay, bà con nhân dân Hà Tĩnh đã gieo trên 150 ha mạ chủ yếu giống mạ thuộc xuân trung được cơ cấu các loại giống NX30, Xi23, XT28, một số cơ cấu giống xuân muộn là P6 và lúa nếp. Diện tích lúa gieo thẳng mới được gần 10 ha tập trung ở huyện Nghi Xuân, Đức Thọ.

Tại cánh đồng thuộc thôn Phù Ích xã Ích Hậu huyện Lộc Hà, trong giá rét, nông dân tranh thủ che chắn nilon cho diện tích mạ xuân trung đã bắc trước đó. Nhiều đám mạ vàng vọt do thời tiết quá lạnh đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của mạ. Toàn bộ cánh đồng chỉ sau vài ngày được bà con trong thôn phủ trắng một màu nilon vừa đảm bảo che ấm cho mạ, vừa đảm bảo ngăn các loại sâu, bệnh, chuột phá hại.

Ông Võ Tá Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Hà cho biết, bà con trong huyện tranh thủ thời gian rảnh thực hiện che phủ toàn bộ diện tích mạ đã gieo và dùng các biện pháp che ấm cho cây lúa mới gieo, đồng thời rắc tro giữ ấm diện tích mạ đã gieo trước đó. Huyện Lộc Hà có kế hoạch gieo, cấy trên 3.000 ha lúa, tuy nhiên thời gian này bà con chủ yếu chăm sóc che chắn, chống rét diện tích lúa, mạ đã gieo, chưa tiếp tục gieo tiếp cho đến khi thời tiết ấm lên.

Huyện Lộc Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân thị xã Hồng Lĩnh là những địa phương có cơ cấu giống xuân trung và xuân muộn nhiều nên diện tích gieo mạ rất lớn. Hiện tại bà con chủ động với các biện pháp nhằm chống rét cho cây mạ sinh trưởng tốt.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh thông tin, chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh có công điện, công văn yêu cầu các địa phương tuyên truyền bà con chủ động chống rét cho cây trồng, lúa vụ động xuân. Đối với diện tích lúa, mạ đã gieo, bà con đã che phủ nilon, đồng thời duy trì đủ nước tạo điều kiện cho mạ sinh trưởng, không bón thúc đạm cho lúa, mạ trong thời gian này.

Bên cạnh đó theo dõi sâu, bệnh như rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn để chủ động phòng trừ khi xuống cấy. Tuyệt đối không xuống đồng cấy lúa khi nhiệt độ dưới 15 độ C.

Công Luật - Tường Vũ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm