Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn ở Yên Bái. Ảnh: Ngọc Anh - TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, sau khi tiêu hủy xong toàn bộ đàn lợn bị mắc bệnh và nghi mắc bệnh, huyện Văn Chấn cần tiến hành khoanh vùng ổ dịch, tập trung phun thuốc tiêu độc khử trùng. Đồng thời, không mua bán, giết mổ, vận chuyển các sản phẩm lợn và hạn chế người ra vào vùng có dịch để giảm tình trạng lây lan sang các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, tổ chức tốt tuyên truyền, phổ biến đến các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi lợn về tình hình, diễn biễn của dịch bệnh, sự nguy hiểm và con đường lây lan để người dân chủ động phòng dịch. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc 5 không (không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn)… Theo ông Đỗ Anh Thiện, Chủ tịch UBND thị trấn nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, để hạn chế dịch lây lan sang địa bàn lân cận, thị trấn đã lập chốt kiểm soát, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ; tổ chức thông báo, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi và gia đình để có các biện pháp phòng tránh; cấp thuốc, phun tiêu độc khử trùng cho các hộ chưa có dịch; yêu cầu các hộ gia đình hạn chế cho người lạ vào khu chăn nuôi, không vận chuyển, buôn bán lợn ra vào địa bàn. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xuất hiện hai ổ dịch tả lợn châu Phi và đã tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của hai gia đình với 247 con lợn.
Lực lượng chức năng rắc vôi, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Ảnh: Ngọc Anh - TTXVN |
Trong khi đó, tỉnh Hà Giang cũng triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn. Hiện nay, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) là địa phương giáp ranh với tỉnh Hà Giang đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết, các sở, ngành trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tại 11 huyện, thành phố; bố trí nguồn ngân sách dự phòng của địa phương hỗ trợ cho phòng, chống dịch. Đặc biệt, bố trí đầy đủ vật tư, hóa chất cho công tác phun tiêu độc khử trùng; thường xuyên duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại những địa bàn giáp ranh. Trước đó, ngày 29/4, UBND huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) đã công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở đàn lợn gồm 21 con của 3 hộ gia đình ở xóm Bản Ngà, xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc. Để ngăn chặn dịch kịp thời dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang đã đề nghị UBND 2 huyện Bắc Mê và Mèo Vạc bố trí đầy đủ lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch giáp ranh với tỉnh Cao Bằng. Trong quá trình kiểm soát nếu phát hiện có xuất hiện lợn bệnh, nghi nhiễm bệnh cần lấy mẫu đi xét nghiệm và xử lý theo đúng quy định.
Cán bộ thú y tỉnh đang lấy mẫu bệnh phẩm tại phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng. Ảnh: TTXVN |
Theo bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê (Hà Giang), UBND huyện Bắc Mê đã thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời ở thôn Nà Vuồng thuộc xã Yên Phong và thôn Pom Cút thuộc xã Đường Âm giáp ranh 2 tỉnh Cao Bằng và Tuyên Quang. Là huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh, huyện Mèo Vạc cũng chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại xã Niêm Tòng. Để hạn chế bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn huyện, những ngày này, chốt kiểm dịch động vật ở xã Niêm Tòng duy trì thường xuyên trực 24/24 giờ để ngăn chặn vận chuyển và tổ chức khun thuốc khử trùng chống dịch được gần 2.000 xe ô tô, xe máy các loại; triển khai phun gần 300 lít thuốc khử trùng; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới. Cũng theo ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, trong quá trình kiểm soát, nếu phát hiện có xuất hiện lợn bệnh, nghi nhiễm bệnh, Sở Nông nghiệp yêu cầu các huyện khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm và xử lý theo đúng quy định. Các ngành là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp trong những ngày gần đây, tại các địa phương, chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện đều quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Các hộ chăn nuôi quy mô trang lợn lớn đều có ý thức tự giác trong việc rắc vôi tiêu độc hàng ngày, hạn chế người ra vào..
Đinh Thùy - Minh Tâm