Được thành lập theo Nghị định số 42/2008/NĐ-CP ngày 8/4/2008 của Chính phủ, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) là vùng đất có lịch sử lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Quảng. Trong gian khổ đấu tranh cũng như thời bình, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Nông Sơn luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Hội nghị tư vấn nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) tổ chức. Ảnh: nongson.quangnam.gov.vn |
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Ông Thái Bình, Bí thư Huyện ủy Nông Sơn chia sẻ: Là huyện miền núi, khi thành lập, Nông Sơn có xuất phát điểm rất thấp, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật dưới mức trung bình, giao thông khó khăn, số hộ nghèo xấp xỉ 67%. Tuy nhiên, sau một thời gian kiên trì phấn đấu, Nông Sơn đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư xây dựng, nông thôn, miền núi thay da đổi thịt từng ngày.
Để đạt những kết quả đó, Nông Sơn đã có bước đi khá vững chắc trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Khi thành lập vào năm 2008, Đảng bộ huyện Nông Sơn chỉ có 28 tổ chức cơ sở đảng, với 625 đảng viên, đến nay, toàn đảng bộ huyện có 46 tổ chức cơ sở đảng với 1.303 đảng viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Một điều cũng cần nhắc đến trên hành trình hơn 10 năm qua của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, Nông Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn những ngày đầu thành lập. Khi đó năng lực chuyên môn của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, mặt khác, các điều kiện khách quan về ăn ở, đi lại rất vất vả. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ của huyện đã vượt qua khó khăn, bắt nhịp với công việc, đồng hành, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu. Huyện cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm gắn với yêu cầu công việc và vị trí việc làm. Hệ thống chính trị luôn được củng cố kiện toàn, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong năm 2019, tổng nguồn vốn đầu tư xã hội đạt khoảng gần 300 tỷ đồng, tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.337 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm trước, trong đó giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt gần 235 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng ước đạt trên 703 tỷ đồng, thương mại, dịch vụ đạt xấp xỉ 440 tỷ đồng, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt gần 10.700 tấn, thu ngân sách đạt trên 105 tỷ đồng. Đây là những con số rất ấn tượng nếu so với những năm đầu mới thành lập. Trước kia, toàn huyện có đến 67% hộ nghèo, đến nay số hộ nghèo chỉ còn 10%. Bộ mặt nông thôn, đô thị của huyện miền núi Nông Sơn đã có bước chuyển mình đáng kể, tiềm năng và lợi thế luôn được phát huy cao nhất.
Đến nay 100% số thôn trên địa bàn huyện có đường ô tô dẫn vào trung tâm. Lưới điện quốc gia đã phủ kín địa bàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Tính đến cuối năm 2019, Nông Sơn đạt bình quân 15 tiêu chí nông thôn mới/xã. Năm 2020 toàn huyện sẽ có 3 xã về đích của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bí thư Huyện ủy Nông Sơn Thái Bình phấn khởi cho biết.
Đánh thức tiềm năng địa phương
Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự vững tin và đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Nông Sơn đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đây là động lực và mục tiêu giúp Nông Sơn khắc phục hạn chế, khó khăn để hội nhập và phát triển với những định hướng mới, nhiệm vụ mới, mục tiêu mới ở tầm cao hơn.
Bước vào năm 2020, Đảng bộ, chính quyền huyện Nông Sơn đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục phấn đấu để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2019; cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; giữ vững an ninh chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Huyện tập trung đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, mở rộng sự liên kết nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình phục vụ dân sinh, công trình phúc lợi xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường giao thông, trường học và trạm y tế để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng trong công tác giáo dục, khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
Với gần 85% diện tích là đất rừng, Nông Sơn có lợi thế về phát triển rừng nguyên liệu gỗ lớn. Việc giao đất, giao rừng gắn với quản lý và bảo vệ, làm tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng cho nhân dân trên địa bàn là những ưu tiên đang được Nông Sơn thực hiện hiệu quả.
Đến nay đã có hơn 12 nghìn ha đất trống, đồi núi trọc được người dân phủ xanh bởi rừng keo nguyên liệu. Trung bình mỗi năm người dân Nông Sơn thu về hàng trăm tỷ đồng từ rừng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến...
Mặt khác, Nông Sơn tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa nước kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Địa phương vận động người dân tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, vùng trồng cây nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch vùng sâu trong đất liền vừa là tiềm năng vừa là thế mạnh đang từng bước được Nông Sơn khai thác bền vững và hiệu quả.
Vùng đất đầu nguồn sông Thu Bồn của xứ Quảng với nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa như Đèo Le, Trung Phước, Hòn Kẽm Đá Dừng, làng trái cây Đại Bình, căn cứ Tân Tỉnh, Lăng Bà Thu Bồn... được xác định là những sản phẩm du lịch đặc sắc cần khai thác hợp lý.
Huyện ưu tiên, tập trung triển khai Đề án "Quy hoạch phát triển du lịch huyện giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án "Phát triển du lịch làng Đại Bình gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ". Từ đó kết nối, tạo sự lan tỏa với các điểm đến khác như Hòn Kẽm - Đá Dừng, suối nước nóng Tây Viên, mỏ than Nông Sơn, Lăng Bà Thu Bồn gắn liền với các loại hình du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch vùng sâu trong đất liền sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch của huyện miền núi Nông Sơn trong chuỗi liên kết vùng giữa Nông Sơn với tỉnh Quảng Nam và các trung tâm du lịch lớn ở khu vực.
Đoàn Hữu Trung
TTXVN