Bước chân măng non gian nan tới trường

Bước chân măng non gian nan tới trường
Do nhà xa nên nhiều em học sinh Trường tiểu học La Văn Cầu (Đắk R’măng) đã đến trường từ sáng để kịp giờ học buổi chiều
Do nhà xa nên nhiều em học sinh Trường tiểu học La Văn Cầu (Đắk R’măng) đã đến trường từ sáng để kịp giờ học buổi chiều
Hơn 4 năm nay, cứ tầm 4 giờ sáng, em Tráng A Đông, nhà ở cụm 17, thôn 7 (Đắk R’măng) lại thức dậy để bắt đầu hành trình hơn 10 km đi bộ tới trường. Năm học này, em trai Đông đã vào lớp 1, Đông có thêm nhiệm vụ dẫn em đi học.

Sau khi vệ sinh cá nhân, chuẩn bị sách vở, cặp lồng đựng cơm mang theo, 2 anh em Đông hòa cùng những đứa trẻ trong thôn để đi bộ tới trường. Những đoạn đường khó đi, Đông cõng em đi qua cho khỏi ngã. Với Đông, việc đi bộ hơn 10 km đã là quá sức, nay lại lo cho em trai nên càng mệt hơn, thỉnh thoảng em phải dừng lại nghỉ ngơi. Vì thế mà mất rất nhiều thời gian, và 2 anh em Đông hay đến lớp muộn hơn các bạn nhà ở gần trường.

Do học buổi sáng nên em trai Đông vào lớp học luôn, còn Đông ngồi trong sân trường chờ đến giờ học buổi chiều của mình mới vào học. Hết buổi, em trai Đông học xong, ăn cơm cùng với anh rồi ngồi ở ngoài đợi anh tan trường để cùng về nhà.

Không chỉ anh em Đông, hàng chục đứa trẻ ở các cụm 16, 17 (thôn 7) ngày ngày cũng phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ để đến trường. Khi đến nơi, tất cả đều đổ mồ hôi nhễ nhãi, mặt mũi nhem nhuốc và thấm mệt. Đường xa, nhiều em học buổi chiều nhưng vẫn đi từ sáng cho kịp thời gian vào lớp.

Còn những hôm học cả ngày, hầu hết các em ở lại tại trường buổi trưa cho kịp giờ học buổi chiều. Các em phải mang theo cơm đùm cơm gói để ăn trưa. Chứng kiến bữa ăn của các em, khó ai có thể cầm lòng thương cảm. Vì chỉ có cơm, một ít muối trắng, vài cọng rau rừng và mấy quả cà pháo đã ngả màu đen.

Em Vàng A Trung, học sinh lớp 3 cho biết: “Nhà em ở xa, sáng mọi người trong nhà đi làm hết, em ở nhà cũng không biết làm gì nên đi bộ từ sớm tới trường cùng các bạn cho vui. Đi học sớm vừa mát mẻ, lại có đông bạn đi cùng, nếu để tới trưa mới đi thì nắng nóng, vắng vẻ, tới trường lại mệt sẽ khó tiếp thu được bài”.

Hình ảnh hàng chục em học sinh vai đeo ba lô, tay xách hộp cơm ngồi cả buổi trời ở hàng cây, ghế đá nơi sân trường đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Trường tiểu học La Văn Cầu là 1 trong 2 trường Tiểu học đóng trên địa bàn xã Đắk R’măng. Toàn trường hiện có 654 học sinh, với hơn 98% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi đây còn khá khó khăn do chưa có điện, nước để sinh hoạt. Nhà trường đã tìm cách khắc phục bằng việc sử dụng năng lượng mặt trời và đào giếng để lấy nước phục vụ công tác dạy học, sinh hoạt của thầy cô và các em nhưng vẫn còn gặp rất nhiều hạn chế.

Thầy Lê Quận Thanh Minh, Hiệu phó nhà trường cho biết: “Không chỉ có các em nhà ở cụm 16, 17 (thôn 7) mà còn nhiều em ở các cụm dân cư khác phải đi bộ 6, 7 km tới trường. Vì nhà xa, hầu như ngày nào cũng có từ 10- 15 em học sinh, mặc dù học buổi chiều nhưng từ sáng đã có mặt tại trường. Đi học vất vả là thế nhưng những năm gần đây có rất ít học sinh bỏ học. Trước hoàn cảnh của các em như vậy, nhà trường cũng động viên, dặn dò các em tự chơi ở quanh khu vực trường và giữ trật tự cho các bạn khác học trong lớp.”

Ông Phan Đinh Tuấn, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cho biết: “Tình trạng học sinh do nhà ở quá xa, buổi trưa phải ở lại tại trường có diễn ra tại Trường tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R’măng) và Trường tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Som). Năm 2015, Trường tiểu học Vừ A Dính đã thí điểm mô hình nhà bán trú cho các em. Trong thời gian tới, nếu mô hình này phát huy được hiệu quả, sẽ nhân rộng, áp dụng đối với Trường tiểu học La Văn Cầu để chấm dứt tình trạng trên. Ngoài ra, đối với một số cụm ở xa trường, khi đủ số lượng học sinh thì mới có thể mở lớp tạm, nhà tạm để các em đi học cho gần”.

Nỗ lực khắc phục khó khăn để đến trường của các em người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây là rất đáng trân trọng và khích lệ. Hi vọng, trong thời gian tới, nơi đây sẽ được đầu tư để trở thành trường bán trú hay đơn giản là có tổ chức ăn bán trú, có điểm trường lẻ để các em đỡ vất vả hơn trên đường đến trường.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm