Liên quan đến bệnh COVID-19, ngày 24/9, Bộ Y tế cho biết đã có Tờ trình số 1229/TTr-BYT trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Tại dự thảo Tờ trình sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19, Bộ Y tế đề xuất, thời gian ủ bệnh trung bình giảm xuống còn 4 ngày và thời gian không phát hiện thêm ca mắc mới giảm còn 8 ngày.
Bộ Y tế cho biết, việc sửa đổi này căn cứ trên cơ sở khoa học, diễn biến tình hình bệnh COVID-19 hiện nay và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.
Cũng tại Tờ trình, Bộ Y tế thông tin đối chiếu giữa quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thực tiễn diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy bệnh COVID-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, cụ thể như sau:
Từ đầu năm đến 31/8/2023, ghi nhận 97.628 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận khoảng 12.000 ca mắc; số mắc trung bình tháng giảm 12 lần so với năm 2021 (khoảng 144.000 ca/tháng) và giảm 68 lần so với 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng). Tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023 (tính đến hết tháng 8/2023), tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%).
Đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2.
COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
PV