Người dân bơm thoát nước để cứu lúa ở Long An. Ảnh: Thanh Bình-TTXVN |
Báo cáo với Đoàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, hiện tổng diện tích Hè Thu trên đia bàn tỉnh, các huyện vùng Đồng Tháp Mười khoảng 152.450 ha, chủ yếu tập trung các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hóa. Dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ thu hoạch dứt điểm. Tuy nhiên nếu mực nước lũ lên nhanh thì diện tích Hè Thu có khả năng bị ảnh hưởng lũ khoảng 12.500 ha. Theo dự báo đến ngày 10/8 tới, mực nước lũ tại Tân Hưng, Vĩnh Hưng có thể đạt mức 2,50 m, tại Mộc Hoá đạt mức 1,50 m, cao hơn từ 0,30 - 0,50 m so cùng kỳ 2017; đến ngày 15/8, mực nước lũ tại Tân Hưng, Vĩnh Hưng có thể đạt trên mức 2,80 m, tại Mộc Hoá đạt trên mức 1,50 m, cao hơn từ 0,40 - 0,60 m so cùng kỳ 2017. Đỉnh lũ chính vụ 2018 xuất hiện vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018 với mức cao hơn từ 0,4 - 0,6 m so đỉnh lũ năm 2017.
Đắp đê bao ngăn lũ tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Ảnh: Thanh Bình-TTXVN |
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng văn phòng phía Nam, Cục Trồng trọt cho biết, cho đến thời điểm này, đã thu hoạch trên 600 ngàn ha lúa Hè Thu, một triệu ha còn lại nằm trong vùng an toàn. Thời gian vừa qua cho thấy nước lũ ảnh hưởng đến trà lúa đó là những diện tích ít nằm ngoài đê bao. Thật sự ngoài đê bao ở An Giang có diện tích nhiều khoảng 53 ngàn ha, nhưng đến thời điểm lũ về đã có 52 ngàn ha được thu hoạch. Còn lại 1 ngàn ha đang thu hoạch và chỉ còn lại vài trăm ha. Theo thông báo của Đài Khí tượng và thủy văn Nam bộ, nếu mực nước lên, các địa phương cũng đã có kế hoạch bảo vệ và gia cố các bờ bao. Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, qua kiểm tra, các địa phương chủ động và quyết liệt trong việc ứng phó với lũ. Đặc biệt cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tôn cao đê bao, bờ bao để bảo vệ lúa đã xuống giống. Tuy nhiên, trong điều kiện mưa lũ thất thường như hiện nay, Đoàn kiểm tra cũng đề nghị các địa phương không nên xem thường và cần chủ động trong ứng phó; đồng thời, thực hiện một số nội dung bảo vệ lúa.
Các ngành chức năng kiểm tra vùng ngập lũ tại huyện Tân Hưng. Ảnh: Thanh Bình-TTXVN |
Cụ thể, thường xuyên theo dõi thông tin của các cơ quan dự báo về lũ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để có giải pháp ứng phó chủ động và phù hợp. Đặc biệt, bảo vệ lúa Hè Thu và chuẩn bị thu hoạch Thu Đông để đảm bảo diện tích đã xuống giống cũng như bảo vệ hiệu quả sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, khuyến cáo, hướng dẫn, chỉ đạo dân tuyệt đối không xuống giống ở những vùng trũng thấp hoặc vùng ngoài đê bao, đê bao không hoàn chỉnh cũng như những vùng đê bao chưa đảm bảo. Chỉ xuống giống ở những vùng có đê bao, bờ bao đủ điều kiện cũng như có hệ thống thủy lợi chủ động tưới tiêu. Mặt khác, phải kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, có kế hoạch tu sửa kể cả trước mắt và lâu dài; trong đó những tuyến đê bao, bờ bao thấp cần tôn cao để bảo vệ không bị vỡ và bị tràn khi đã xuống giống. Ngoài ra, phải chủ động ứng phó khi mực nước cao hơn so với dự báo để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và tài sản trong những vùng đê bao, bờ bao.
Thanh Bình