Bộ đội Bình Phước giúp người dân vùng biên thoát nghèo

Bộ đội Bình Phước giúp người dân vùng biên thoát nghèo
Chiến sĩ biên phòng giúp dân thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: K GỬIH –TTXVN
Chiến sĩ biên phòng giúp dân thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: K GỬIH –TTXVN

Đội sản xuất 7, Trung đoàn 717, đóng trên địa bàn xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, hiện có hơn 100 công nhân cạo mủ cao su chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, người làm việc lâu nhất gần 10 năm, người ít nhất cũng được vài tháng. Gắn bó với Đội sản xuất 7 từ khi được tuyển vào làm việc cạo mủ cao su năm 2009, đôi vợ chồng người dân tộc S’tiêng là Điểu Sước và Thị Sinh ở ấp 54, xã Lộc An, khá hài lòng với những gì mình đang có. Hiện nay, công việc chính mà anh Điểu Sước đảm nhận là bảo vệ và quản lý công nhân đồng bào dân tộc thiểu số, còn vợ anh là công nhân khai thác mủ. Tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng thời điểm cao nhất gần 20 triệu đồng. Năm 2019, sản lượng và giá mủ cao su xuống thấp, thu nhập bình quân của gia đình anh khoảng 12 triệu/tháng. Với nguồn thu này, cuộc sống gia đình anh ổn định hơn so với trước đây. Anh Điểu Sước chia sẻ: "Trước kia, cuộc sống của gia đình tôi khó khăn lắm, chủ yếu đi làm thuê cuốc mướn, thu nhập bấp bênh. Từ khi được nhận vào làm ở Đội sản xuất 7, Trung đoàn 717, đời sống của gia đình ngày càng ổn định. Có việc làm, vợ chồng tôi luôn cố gắng để thoát cái nghèo, cái khổ trước kia".

Không những cuộc sống gia đình ngày càng được ấm no, sau gần 10 năm làm việc miệt mài tại Đội sản xuất 7, anh Điểu Sước còn được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chiến sỹ thi đua toàn quân và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Càng vui hơn, khi tháng 4/2019, anh được Trung đoàn 717 tin tưởng giao làm Đội phó Đội sản xuất 7, phụ trách giám sát công nhân người dân tộc thiểu số. Có thêm chức vụ cũng chính là giúp anh có thêm trách nhiệm với công việc mình đang làm. “Trên cương vị là Đội phó Đội sản xuất 7, bản thân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nắm bắt tình hình một cách tốt nhất để kịp thời báo cáo cấp trên; tuyên truyền với bà con, nhất là bà con là người địa phương luôn chăm chỉ làm việc đúng theo nội quy, quy định. Còn vấn đề lương bổng đôi khi chậm trễ hoặc xuống thấp do giá cả, sản lượng mủ, tôi luôn vận động bà con bám sát vườn cây, không nên sao lãng công việc”, anh Điểu Sước chia sẻ.

Ông Điểu Bôi cũng ở ấp 54, xã Lộc An, nhớ lại câu chuyện được vào làm công nhân khai thác mủ tại Đội sản xuất 7 (năm 2013), khi đó là một niềm vui lớn mà bản thân ông chưa nghĩ tới. Trước đây, ông chỉ biết làm rẫy, chưa biết gì về kỹ thuật cạo mủ cao su. Năm 2013, ông Điểu Bôi được Trung đoàn 717 tuyển dụng vào làm việc tại Đội Sản xuất 7. Tại đây, ông được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cạo mủ cũng như làm quen với công việc mới. Ông cho biết, từ khi chính thức làm công nhân khai thác mủ tại Đội sản xuất 7, cuộc sống của gia đình ông đã ổn định hơn trước rất nhiều. Ông Điểu Bôi vui vẻ nói: “Lúc đầu không có việc gì làm, cuộc sống khó khăn lắm. Nay được nhận lô cao su để cạo, gia đình tôi có thu nhập khá hơn, có đủ cơm cháo, có điều kiện lo cho con học cái chữ. Tôi cảm ơn Trung đoàn 717 đã cho tôi vào làm công nhân cạo mủ!”.

Điểu Quang (19 tuổi) ở ấp 54, xã Lộc An, chưa có công việc ổn định. Khi thấy các anh, chị đi trước có cuộc sống ổn định nhờ làm công nhân cạo mủ của Trung đoàn 717, tháng 5/2019, Điểu Quang đã mạnh dạn xin vào làm công nhân khai thác mủ tại Đội sản xuất 7. Điểu Quang chia sẻ: “Có việc làm ổn định, tôi và gia đình phấn khởi lắm. Bây giờ không lo đói nữa. Công việc không vất vả lắm, ở gần nhà nữa, mình thức đêm để cạo rồi trút mủ xong còn có thể tranh thủ phụ việc cho ba mẹ ở nhà”.

Đời sống của công nhân ở Đội sản xuất 7 ngày càng được nâng cao, sinh hoạt gia đình ngày càng ổn định hơn, mang lại làn gió mới tại vùng biên nghèo thuộc huyện Lộc Ninh. Đại úy Ngô Văn Luận, Đội trưởng Đội sản xuất 7, Trung đoàn 717, cho biết: "Rất mừng là những lao động ở đây đã xác định gắn bó lâu dài với đơn vị".
K GỬIH

Có thể bạn quan tâm