“Bố Biên phòng” đồng hành cùng học sinh người Đan Lai

 “Bố Biên phòng” đồng hành cùng học sinh người Đan Lai

Hơn 3 năm qua, Tổ công tác đặc biệt của Đồn biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng Nghệ An thường xuyên quan tâm giúp đỡ để các em học sinh người Đan Lai (nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ) yên tâm đến lớp. Không chỉ hỗ trợ vật chất phục vụ sinh hoạt, học tập, hàng ngày, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng còn giúp các em hoàn thiện kỹ năng sống, trải nghiệm cuộc sống môi trường quân đội để tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Người Đan Lai nằm trong nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người của cả nước, địa bàn sinh sống nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Do đặc thù này, trẻ em người Đan Lai sống gần như biệt lập với bên ngoài. Sau khi hết Tiểu học, các em muốn học Trung học cơ sở phải đi hơn 15km đường núi để đến trường. Thời gian đầu chưa có ký túc xá, các em phải ở trọ hoặc dựng nhà tạm xung quanh trường. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, vất vả, trong thời gian dài không tiếp xúc với thế giới bên ngoài khiến nhiều em bỏ học giữa chừng.

 “Bố Biên phòng” đồng hành cùng học sinh người Đan Lai ảnh 1Các em học sinh người Đan Lai tại Trường THCS Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An, ngày càng tự tin khi hoà nhập với các bạn trong trường. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Năm 2018, ký túc xá được xây dựng tại Trường Trung học Cơ sở Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Do không phải là trường nội trú nên giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý các em. Trước tình hình đó, năm 2019, Đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp cùng nhà trường thành lập Tổ công tác đặc biệt gồm 3 chiến sĩ. Bên cạnh nhiệm vụ công tác địa bàn, Tổ công tác phối hợp cùng với Ban Giám hiệu nhà trường quản lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh người Đan Lai. Từ đó, trẻ em người Đan Lai có thêm một chỗ dựa mới, yên tâm học hành, tình trạng bỏ học giữa chừng giảm hẳn.

Em Vi La Đạt, học sinh lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết, lần đầu xa gia đình đi học nên rất sợ tiếp xúc với mọi người, may được các “bố Biên phòng” giúp đỡ. Các “bố Biên phòng” dạy cho chúng em những kỹ năng sống, làm quen, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt, học tập gần với môi trường quân đội. So với lúc ở trong bản, cuộc sống ở đây rất vui, có nhiều bạn bè.

Cùng với em Đạt, ký túc xá còn có 72 học sinh dân tộc Đan Lai từ lớp 6 đến lớp 9 đang được các chiến sĩ Biên phòng chăm sóc. Trước đây, vào sau Tết Nguyên đán, các thầy cô giáo, cán bộ, chiến sĩ phải lặn lội hàng chục km đường rừng để vào bản vận động học sinh trở lại trường, thì nay các em đều có mặt ở ký túc xá để học tập theo đúng thời gian quy định.

 “Bố Biên phòng” đồng hành cùng học sinh người Đan Lai ảnh 2Các chiến sĩ biên phòng Đồn biên phòng Môn Sơn, Bộ đội biên phòng Nghệ An, là chỗ dựa cho các em học sinh người Đan Lai yên tâm học tập. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Thượng tá Lê Văn Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, học sinh người Đan Lai chủ yếu sinh sống tại 2 bản Cò Phạt và bản Búng, nằm sâu trong rừng. Do cuộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài nên các em rất nhút nhát, thiếu kỹ năng sống. Để giúp các em, đơn vị đã bố trí 3 chiến sĩ vừa làm công tác địa bàn, vừa hướng dẫn các cháu việc vệ sinh, ăn ở, các kỹ năng sống, qua đó trang bị hành trang cho các cháu khi lên cấp 3, tự tin hòa nhập cuộc sống bên ngoài.

Thầy giáo Ngân Thế Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở xã Môn Sơn cho biết, nhờ có sự giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng mà các em học sinh người Đan Lai tiến bộ rõ nét. Từ chỗ nhút nhát, thiếu kỹ năng sống, đến nay các em đã tiến bộ hẳn, tự tin giao tiếp, hòa nhập với các bạn trong trường.

 “Bố Biên phòng” đồng hành cùng học sinh người Đan Lai ảnh 3Các chiến sĩ biên phòng Đồn biên phòng Môn Sơn, Bộ đội biên phòng Nghệ An, hướng dẫn các em học sinh người Đan Lai những kỹ năng sống tại Ký túc xá trường THCS Môn Sơn. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Cuối năm 2022 vừa qua, Đồn Biên phòng Môn Sơn tiếp tục phối hợp cùng Trường Trung học cơ sở Môn Sơn và chính quyền địa phương ra mắt mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”. Mô hình này kế thừa chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, nhưng thay vì nhận 4 con nuôi như trước, nay Đồn Biên phòng nhận đỡ đầu tới 72 học sinh dân tộc Đan Lai. Sau khi mô hình ra mắt, nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ, đồng hành cùng các em học sinh Đan Lai trên con đường tiếp nhận tri thức.

Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm