Bình yên trong ngôi nhà phòng, chống thiên tai (Bài 2)

Những căn nhà chống bão, lũ của người dân vùng ngập trũng thôn Hội Điền, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN
Những căn nhà chống bão, lũ của người dân vùng ngập trũng thôn Hội Điền, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Tính đến ngày 15/8, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai làm 86 người chết và mất tích, hơn 60 người bị thương, hơn 10 nghìn nhà ở bị đổ sập hoặc trong trạng thái mất an toàn, thiệt hại kinh tế lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong bối cảnh mưa lũ, sạt lở và nhiều loại hình thiên tai ngày càng gia tăng tại khu vực miền Trung và một số địa phương duyên hải Nam Bộ hiện nay, một mô hình nhà ở phù hợp cho người dân vùng lũ đang rất cần được triển khai rộng rãi, đó là nhà phòng, chống thiên tai.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bài cuối đề cập đến hiệu quả, tính cấp thiết của những ngôi nhà an toàn phòng, chống thiên tai.

Bình yên trong ngôi nhà phòng, chống thiên tai (Bài 2) ảnh 1Những căn nhà chống bão, lũ của người dân vùng ngập trũng thôn Hội Điền, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Bài 2: Để người dân được sống an toàn, hạnh phúc

Hiện nay, các hiện tượng thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ một số loại thiên tai có dấu hiệu gia tăng một cách đáng quan ngại như các trận siêu bão, lũ, lụt…

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, ngành Phòng, chống thiên tai đã có nhiều nỗ lực trong công tác phối hợp, thực hiện xây nhà an toàn phòng, chống thiên tai; từ đó giúp người dân được sống an toàn, hạnh phúc, được đảm bảo sinh kế bền vững, góp phần hướng tới xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về thuận lợi, khó khăn và kế hoạch trong công tác hỗ trợ xây dựng nhà an toàn phòng, chống thiên tai thời gian tới.

*Xin bà cho biết ý nghĩa của việc hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn, phòng, chống thiên tai cho người dân?

- "An cư lạc nghiệp"-câu nói tưởng chừng như đơn giản, nhưng đôi khi lại là một mục tiêu lớn của cả đời người. Tuy nhiên, an cư với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhiều khi là xa vời. Do vậy, việc hỗ trợ xây dựng nhà an toàn phòng, chống thiên tai cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn là rất cần thiết, bởi thực hiện điều này không chỉ đơn thuần là đảm bảo an toàn của người dân trước thiên tai, mà còn là giải pháp giảm thiểu di dân do thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo ước tính của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hiện khoảng 100 nghìn hộ dân nghèo tại các khu vực nông thôn Việt Nam đứng trước rủi ro rất cao do đang trú ẩn trong các ngôi nhà không an toàn trước thiên tai. Bởi vậy, nhiệm vụ hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn có ngôi nhà an toàn trước thiên tai là nhiệm vụ trường kỳ của người làm công tác phòng, chống thiên tai.

*Ngành phòng, chống thiên tai đã và đang phối hợp với các ngành liên quan trong việc triển khai và thực hiện các chính sách xây dựng nhà an toàn, phòng, chống thiên tai cho nhân dân thế nào và kết quả đạt được là gì, thưa bà?

 - Trong những năm qua, ngành Phòng, chống thiên tai đã nỗ lực tìm kiếm các dự án hỗ trợ kỹ thuật và các nguồn tài trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai. Không chỉ trực tiếp hỗ trợ xây dựng 4.000 ngôi nhà an toàn trước thiên tai, đây còn là ví dụ điển hình để ngành xây dựng rút ra các bài học kinh nghiệm về thực tế hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà an toàn trước thiên tai. Trong các dự án này, ngành cũng bố trí một vài hoạt động tư vấn nhằm hỗ trợ Bộ Xây dựng đánh giá về những ưu nhược điểm của các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; từ đó đưa ra các nội dung chính sách sửa đổi phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Điển hình là các chính sách: Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (bao gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa tới Bình Thuận); Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018-2025; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 714/QĐ-TTg; Quyết định 590/QĐ-TTg 2022 bố trí dân cư các vùng thiên tai, biên giới, hải đảo, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, còn nhiều chính sách huy động vốn để hỗ trợ xây dựng nhà ở như Quỹ “Vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động từ cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp hoặc tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ nhân dân, các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế... Tùy điều kiện cụ thể, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho các hộ nghèo.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ chính sách, ngành Phòng, chống thiên tai với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế về giảm nhẹ rủi ro thiên tai còn xúc tiến các hoạt động tuyên truyền tới lực lượng phòng, chống thiên tai các cấp, chính quyền địa phương và trực tiếp tới người dân về hiệu quả của hoạt động hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà an toàn trước thiên tai.

*Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của nhà ở an toàn, phòng, chống thiên tai đối với cộng đồng và người dân?

- Qua các đợt bão lũ, đặc biệt là qua đợt lũ lịch sử năm 2020, những ngôi nhà được hình thành từ các dự án hỗ trợ kỹ thuật đã phát huy hiệu quả rất cao ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, về mặt bảo vệ con người, những ngôi nhà này không chỉ bảo vệ tốt khả năng chống chịu bão, lũ cho chính các thành viên trong gia đình, mà còn là nơi trú tránh tốt cho một số hộ dân xung quanh.

Thứ hai, về an sinh xã hội, tăng cường nhận thức của cộng đồng trước thiên tai, những ngôi nhà từ các dự án không chỉ có ý nghĩa về việc đảm bảo nơi trú ẩn an toàn mà còn là động lực, lý do để động viên người dân bám đất, bám làng, toàn tâm phát triển kinh tế nơi mình sinh sống, giảm tư tưởng di dân tự do về những khu vực phát triển hơn. Ngoài ra, những ngôi nhà này đã trở thành hình mẫu cho các hộ dân xung quanh về việc lưu ý tới các yếu tố đảm bảo an toàn khi xây dựng nhà ở kiên cố.

Thứ ba, các mô hình nhà ở cộng đồng được chúng tôi vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ sau năm 2020, không chỉ phát huy được tính năng hỗ trợ người dân trú tránh bão, lũ mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho người dân khu vực nông thôn, gắn tính đoàn kết nhân dân.

*Vậy đâu là những hạn chế, khó khăn trong việc triển khai, thực hiện xây dựng nhà ở an toàn, phòng, chống thiên tai cho người dân? Ngành có những dự định, kế hoạch gì để tiếp tục hỗ trợ người dân những vùng chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai trong việc xây dựng những ngôi nhà ở an toàn, phòng, chống thiên tai thời gian tới, thưa bà?

- Về chính sách, trong quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng nhà, chúng tôi thấy mức kinh phí để hỗ trợ theo các chính sách còn khá thấp. Theo Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, người dân 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn với mức hỗ trợ 12 - 16 triệu đồng/hộ; vay tối đa 15 triệu đồng/hộ trong 10 năm.

Nhà ở phải đảm bảo sàn cao hơn mức ngập lụt cao nhất, diện tích tối thiểu 10m2, kết cấu kiên cố, mái bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão.

Trong khi đó, thực tế xây dựng nhà từ Dự án GCF tại Quảng Nam năm 2019 với diện tích nhỏ nhất 27m2 đã hơn 80 triệu đồng.
Nhiều hộ dân thậm chí đủ tiêu chuẩn để tham gia chương trình hỗ trợ xây dựng nhà nhưng ko đủ đối ứng nên cũng đã phải từ chối…

Qua so sánh có thể thấy, để xây dựng được một ngôi nhà ở an toàn, phòng, chống thiên tai, nguồn hỗ trợ từ Chính phủ chưa thể đảm bảo, rất cần có sự đồng hành, huy động từ nhiều nguồn khác như doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này, cần có một cơ chế linh hoạt, hợp lý và tạo điều kiện hơn cho nhà tài trợ để thu hút được nguồn lực.

Về nhận thức, hiện người dân đa phần mới chỉ quan tâm tới việc xây dựng một căn nhà kiên cố, đảm bảo cuộc sống trong điều kiện bình thường, chưa tính đến các trường hợp cần cho việc cứu hộ và tránh trú phù hợp khi thiên tai xảy ra. Các bộ, ngành liên quan và địa phương cần có những hành động tăng cường năng lực cho người dân về nhà an toàn phòng, chống thiên tai.

Về tình hình thiên tai ngày càng bất thường, đây có thể coi là một khó khăn lớn nhất. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp, trái quy luật, cực đoan và khốc liệt, gây khó khăn trong việc triển khai, thực hiện xây dựng nhà ở an toàn, phòng, chống thiên tai cũng như mất nhiều nguồn lực hỗ trợ để khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Với vai trò là cơ quan phòng chống thiên tai, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đã nêu vấn đề liên quan đến việc đảm bảo hỗ trợ giảm thiểu rủi ro, thiệt hại và an toàn hơn của người dân trước thiên tai thông qua việc hỗ trợ xây dựng nhà an toàn trong phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch phòng, chống thiên tai Quốc gia. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan, các địa phương tìm kiếm các chương trình, dự án hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn để có được các ngôi nhà an toàn trước thiên tai trong thời gian tới.

*Trân trọng cảm ơn bà.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm