Thành phố Phan Thiết: Đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: nv.binhthuan.gov.vn |
Năm 2019, tỉnh Bình Thuận tập trung thực hiện nhiều giải pháp đột phá nhằm đạt mục tiêu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hướng đến xã đạt chuẩn kiểu mẫu; thành phố Phan Thiết hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới… Theo đó, tỉnh đẩy mạnh huy động các nguồn vốn, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh sẽ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trên cơ sở lấy hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân làm mục tiêu, đồng thời phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tập trung vào các cây trồng lợi thế của tỉnh… Để đạt được mục tiêu đề ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng và vận động toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục triển khai các mô hình bảo vệ môi trường; nâng cao đời sống văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn… Đối với các xã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2019, các địa phương tập trung giữ vững và phát triển các tiêu chí đã đạt, đồng thời đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và lồng ghép cân đối nguồn lực, huy động sự tham gia của nhân dân để thực hiện các tiêu chí còn lại. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, năm 2018, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự tự giác, chủ động, phát huy cao vai trò chủ thể của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả, trở thành phong trào thi đua sâu rộng, lan tỏa trên khắp các vùng nông thôn. Toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 1 xã so với kế hoạch đề ra), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 56 xã, chiếm hơn 58% tổng số xã (tỷ lệ của cả nước là 42,76%). Kết quả thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới không có sự chênh lệch nhiều giữa các địa phương, tính đến cuối năm 2018, số tiêu chí bình quân trên mỗi xã đạt 13,74 tiêu chí, tăng 1,34 tiêu chí/xã so với năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người ở 96 xã năm 2018 đạt 37,2 triệu đồng/người/năm, tăng 3,2 triệu đồng/người/năm so với thu nhập năm 2017. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa nông thôn mới.
Hồng Hiếu