Hoa màu của hộ ông Phạm Châu (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) bị chết do hạn hán kéo dài.Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, đến giữa tháng 11/2018, tổng lượng nước trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh đạt 175 triệu m3/258 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 68%, thấp hơn cùng kỳ những năm trước. Đặc biệt là các hồ chứa khu vực phía Bắc tỉnh có dung tích trữ thấp như: Hồ Đá Bạc 0,47 triệu m3/4,4 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 10%; hồ Phan Dũng 3,5 triệu m3/12 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 30%; hồ Sông Lòng Sông 11 triệu m3/33 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 32%; hồ thủy điện Đại Ninh 126 triệu m3/251 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 50%. Với thực trạng nguồn nước từ các công trình thủy lợi hiện tại và thông tin nhận định tình hình khí tượng, thủy văn, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước phục vụ dân sinh kinh tế xã hội, sản xuất nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2018 và năm 2019 là rất nghiêm trọng. Để chủ động phòng chống hạn, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, dịch vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trong mùa khô năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho nhân dân nắm bắt và hiểu biết về tình hình thời tiết bất thường từ nay cho đến hết năm 2019, tình hình hạn hán, thiên tai, hiện tượng Elnino và các Chỉ thị, hướng dẫn của các cấp, các ngành về công tác phòng chống, ứng phó hạn hán, thiên tai để người dân biết, kịp thời ứng phó, chấp hành và thực hiện với tinh thần chủ động, nâng cao nhận thức khi có tình hình hạn hán xảy ra trên địa bàn. Ủy ban nhân dân yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vận động nhân dân tích cực tham gia nạo vét ao hồ, khơi thông dòng chảy sông, suối, kênh để tận dụng nguồn nước mặt trữ vào các ao, bàu, nhằm phục vụ sinh hoạt, cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp; vận động nhân dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn nước các công trình thủy lợi nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô. Theo dõi tình hình nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn, đăng ký kế hoạch sử dụng nước với Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận; ưu tiên nước phục vụ cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, tưới cho cây trồng lâu năm; bố trí nước tưới vụ Mùa 2018, sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018-2019 cho phù hợp với khả năng nguồn nước hiện có của các công trình thủy lợi, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc, gia cầm từ nay đến hết năm 2019. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Bình Thuận và các địa phương, các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tình hình nguồn nước và tình trạng hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn phục vụ cho người dân trong những tháng cuối năm 2018 và năm 2019, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, kịp thời chỉ đạo giải quyết, hạn chế tình trạng thiếu nước cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn như: Trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, khuyến khích các địa phương lựa chọn canh tác các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, sử dụng ít nước phù hợp với điều kiện nguồn nước hạn chế khi có hạn hán, bảo đảm nguồn nước tưới từ khi gieo trồng đến thu hoạch; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, các công trình thủy lợi đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau trong kế hoạch năm 2018, sớm đưa công trình vào khai thác vận hành, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời giải quyết, hạn chế tình trạng thiếu nước cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn.
Nguyễn Thanh