Bình Thuận tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Một buổi học tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Tiến (xã Đông Tiến). Ảnh: Nguyễn Thanh-TTXVN
Một buổi học tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Tiến (xã Đông Tiến). Ảnh: Nguyễn Thanh-TTXVN

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2, năm 2021 - 2025”.

Đề án nhằm trang bị cho trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học người dân tộc thiểu số trên địa bàn có đủ kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội chương trình giáo dục một cách tốt nhất. Theo đó, đề án tập trung vào đổi mới hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp và các bậc cha mẹ, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.

Bình Thuận tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ảnh 1Một buổi học tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Tiến (xã Đông Tiến). Ảnh: Nguyễn Thanh-TTXVN

Để đề án mang lại hiệu quả, các cơ sở giáo dục Mầm non, Tiểu học triển khai tốt việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ thông qua các hoạt động lồng ghép, hoạt động giáo dục phổ thông; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, giáo dục giới tính và kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích; đảm bảo chất lượng giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Riêng đối với vùng dân tộc Chăm, các trường tổ chức dạy học tiếng Chăm theo hình thức tự chọn được quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm.

Các trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số với mục tiêu trẻ sau khi hoàn thành cấp học Mầm non phải được giao tiếp tiếng Việt thành thạo để làm nền tảng cho cấp học phổ thông. Đối với học sinh Tiểu học, chú trọng đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học, lấy chương trình giáo dục làm thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục. Mỗi cơ sở giáo dục Mầm non và Tiểu học phải đáp ứng được tất cả học sinh phải được học 2 buổi/ngày.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục đầu tư bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường Mầm non, Tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người dân tộc thiểu số. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục Mầm non và Tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số, đảm bảo đến năm 2025, có ít nhất 30% cán bộ quản lý, giáo viên cấp Mầm non và Tiểu học là người kinh công tác tại vùng dân tộc thiểu số biết tiếng mẹ đẻ của trẻ để giáo dục, giao tiếp với học sinh.

Trước đó, đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” được thực hiện tại 50 trường, 282 nhóm, lớp mầm non và 47 trường, 66 điểm trường Tiểu học có trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số thuộc 7 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Đức Linh.

Không chỉ tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh bậc Tiểu học, các trường còn đưa vào chương trình tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, các hoạt động giáo dục, xem việc vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách dạy học ngôn ngữ thứ hai. Bên cạnh đó, hầu hết các trường có học sinh dân tộc thiểu số đều xây dựng góc thư viện, góc địa phương và các góc chơi khác có gắn bảng tên bằng tiếng Việt để giúp trẻ tiếp xúc thường xuyên hơn với tiếng Việt. Các hội thi, giao lưu “Viết chữ đẹp”, “Tiếng Việt của chúng em”, Ngày hội nói tiếng Việt…được các trường duy trì thường xuyên. Riêng ở bậc Mầm non, các trường đều tăng thời gian luyện nói và dạy tiếng Việt thông qua các trò chơi. Đồng thời các trường phối hợp với phụ huynh học sinh khuyến khích sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà…

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, đề án đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và phụ huynh về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em Mầm non và học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Sau 5 năm (2016-2020) Bình Thuận có gần 5.000 trẻ dân tộc thiểu số bậc Mầm non đến trường (chiếm 51% tổng số trẻ); 100% trẻ dân tộc thiểu số ra lớp đều được tăng cường tiếng Việt. Từ đó, trẻ có khả năng nắm bắt ngôn ngữ tiếng Việt, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin, có kiến thức cơ bản để bước vào lớp 1. Còn đối với bậc Tiểu học, chất lượng học tập môn tiếng Việt của học sinh cũng được nâng lên rõ rệt, nhất là năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 có nhiều tiến bộ. Đa số các em có khả năng nói, nghe hiểu để giao tiếp trong sinh hoạt và đáp ứng yêu cầu học tập.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm