Bình Dương sẽ trở thành "thành phố thông minh"

Các chuyên viên làm việc tại Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương - IOC. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Các chuyên viên làm việc tại Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương - IOC. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Từ nền tảng phát triển công nghiệp hóa sau 25 năm tái lập tỉnh, tỉnh Bình Dương đã triển khai đề án thành phố thông minh đón làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đã gặt hái được nhiều thành công.

Bình Dương sẽ trở thành "thành phố thông minh" ảnh 1Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương - IOC được đặt tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hồng Đạt

Bước sang giai đoạn 2021-2026, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh – thương mại mới, cùng những cơ hội mới hậu COVID-19, Bình Dương xác định tiếp tục  đột phá, đưa đề án thành phố thông minh sang một nấc thang phát triển cao hơn - Vùng Đổi mới Sáng tạo, tạo động lực mới  đẩy mạnh đà phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Nhận diện tốt hơn về Bình Dương

Câu hỏi Bình Dương được gì sau thời gian định hướng phát triển thành phố thông minh? Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng chia sẻ rằng đó là được sự nhận diện thương hiệu Bình Dương ở trong và ngoài nước ngày càng tốt hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư khó tính quan tâm  hơn....

"Nhờ tư duy chiến lược đến quy hoạch rõ ràng theo định hướng phát triển xanh và thông minh, tạo được "sân chơi" uy tín được cộng đồng các thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới (Smart 21) công nhận; nhờ đó dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỷ đô liên tiếp chảy vào Bình Dương gần đây. Cụ thể, như dự án 1,3 tỷ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) rót vào khu công nghiệp; Tập đoàn CapitaLand Development rót hơn 500 triệu USD vào phát triển đô thị tại thành phố mới Bình Dương, góp phần trong 5 tháng đầu năm 2022 Bình Dương vươn lên đứng đầu cả nước về thu hút vốn ngoại với hơn 2,5 tỷ USD", ông Dũng cho hay.

Ông Mai Hùng Dũng chia sẻ thêm, cả hệ thống chính trị tỉnh hiện nắm được tư duy phát triển thành phố thông minh thông qua quy hoạch khá bài bản gắn với định hướng kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tạo hệ sinh thái đủ rộng, một "sân chơi" hấp dẫn thu hút nhà đầu tư; trong đó nhiều nhà đầu tư khó tính cũng bắt đầu quan tâm.

Định hướng xây dựng thành phố thông minh trong giai đoạn 2021 – 2026, Bình Dương đã và đang hình thành  quy hoạch cụ thể dự án Khu công nghiệp Khoa học công nghệ đặt tại huyện Bàu Bàng; khu Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC) đã vào hoạt động; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt; triển khai Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương; Hệ thống thông tin địa lý GIS trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tỉnh cũng đẩy mạnh  cải cách hành chính; truyền thông định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế; kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại; tiếp tục xây dựng và phát triển làng thông minh...

Đặc biệt, năm 2022 Bình Dương tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, ưu tiên các công trình trọng điểm kết nối vùng như đường vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Chơn Thành; nâng cấp Quốc lộ 13 kết nối với Tp. Hồ Chí Minh…

Tháng 4 năm 2022 vừa qua, tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm giám sát và điều hành thành phố thông minh (gọi tắt IOC) trên 22 lĩnh vực với 611 chỉ tiêu trong phạm vi của tỉnh làm cơ sở để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lê Tuấn Anh cho biết, thông qua Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương, nhiều lĩnh vực quan trọng được tích hợp tự động, thậm chí giám sát trực tuyến kết nối về trung tâm đầu não để phân tích dữ liệu như kinh tế - xã hội, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bao quát để phục vụ điều hành chung, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi chính quyền điện tử theo hướng thông minh.

Ông Tuấn Anh thông tin, chỉ tính riêng lĩnh vực an ninh trật tự - an toàn giao thông hiện Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương đã vận hành kết nối hơn 160 camera từ các huyện/thị để giám sát tình hình giao thông, 2 camera tầm cao cho phép quan sát toàn khu vực thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Thuận An. Từ định hướng camera sẽ được chia sẻ lên các ứng dụng để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập  thông tin giao thông các tuyến đường đi. Đây cũng là tiêu chí quan trọng trong đô thị thông minh.

Tại Trung tâm cũng tích hợp giám sát trực tiếp chỉ tiêu về thông tin quan trắc môi trường, tình hình nước thải, khí thải và được số hóa trên bản đồ vị trí. Khi có các chỉ tiêu vượt mức quy định sẽ được xử lý nhanh.

Bình Dương sẽ trở thành "thành phố thông minh" ảnh 2Các chuyên viên làm việc tại Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương - IOC. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tạo sự khác biệt

Trải qua 25 năm phát triển đúng hướng và tích cực, từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã chuyển mình mạnh mẽ vươn lên thành một tỉnh công nghiệp hóa, đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thu nhập bình quân của người dân.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có hơn 53.000 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 515.000 tỷ đồng; hơn 4.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 37 tỷ USD.

Bình Dương đã trở thành một trong những điểm sáng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh đang có nhiều cơ hội để mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, phát huy  hiệu quả đề án thành phố thông minh trong tương lai.

Đặc biệt, đến nay, tỉnh Bình Dương đã "lên hạng" với 3 thành phố; trong đó có 1 đô thị loại 1, 4 đô thị loại 3 và 5 đô thị loại 5.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Becamex IDC, Bình Dương đã bắt tay xây dựng nền móng thành phố thông minh là nhờ "đòn bẩy" Khu Liên hợp đô thị - dịch vụ - công nghiệp Bình Dương được quy hoạch bài bản với tầm nhìn 50 năm, trở thành trung tâm mới của Bình Dương. Nơi đây thành hệ sinh thái khởi nghiệp thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá mặc dù đạt nhiều thành tựu sau 25 năm đổi mới, xong Bình Dương vẫn còn những tồn tại lớn như kinh tế còn phải dựa nhiều vào sản xuất truyền thống, chủ yếu công nghiệp gia công, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, thâm dụng lao động cao, ảnh hưởng môi trường còn lớn. Nền sản xuất công nghiệp ở Bình Dương thuộc thế hệ đầu, do đó cần chuyển sang giai đoạn mới, thế hệ thứ hai, thứ ba với nền kinh tế xanh và thông minh để đáp ứng yêu cầu mới của người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát khác của Tổng cục Thống kê cho thấy, Bình Dương cũng là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước với hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng tại tỉnh này lại thấp nhất cả nước với hơn 43% và tỷ lệ hộ phải đi thuê nhà cao nhất cả nước với hơn 55%. Đây là vấn đề lớn của xã hội đặt ra "bài toán" cho các nhà quản lý Bình Dương.

Mới đây, tại hội nghị về lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, việc lập quy hoạch cần tạo sự khác biệt hoàn toàn cho Bình Dương và có tầm nhìn tổng quát nhất; có dự án chiến lược, phân kỳ đầu tư chiến lược nhất. Bình Dương đã đạt được thành tựu quan trọng nhưng phải nâng tầm phát triển mới: "Xanh, thông minh và bền vững". Bí thư tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh quy hoạch tỉnh phải lấy con người làm trung tâm, tạo cho người dân có cơ hội sản xuất, kinh doanh, lâp nghiệp phát triển hơn tại Bình Dương.

"Định hướng của Bình Dương xây dựng thành phố thông minh, xây dựng hệ sinh thái mới, luôn luôn năng động, là vùng đổi mới sáng tạo đóng góp vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam", Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương mong muốn!.

Những dấu ấn sáng tạo

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nêu rõ, kế thừa những thành quả rất quan trọng của tỉnh Sông Bé; suốt 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương luôn trăn trở, nỗ lực, bền bỉ phấn đấu, tìm cách bứt phá. Từ thực tiễn khó khăn của mình, Bình Dương đã quyết định tập trung xây dựng chiến lược phát triển kinh tế theo hướng hiện đại dựa trên phát huy lợi thế vị trí địa lý, nguồn lực sẵn có và tạo lập môi trường hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước.

Từ đó, Bình Dương đã chuyển mình từ địa phương thuần nông trở thành một tỉnh phát triển, có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 25 năm qua, quy mô dân số của tỉnh tăng gần 5 lần; quy mô nền kinh tế tăng 104 lần; thu ngân sách tăng gấp 75 lần và Bình Dương là một trong số ít các địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 152 triệu đồng/người/năm (gần 7.000 USD), được Trung ương đánh giá là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.

Cơ cấu kinh tế của Bình Dương chuyển dịch tích cực; từ một tỉnh dựa chủ yếu vào nông nghiệp, đến nay tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn khoảng 3%, công nghiệp 67% và dịch vụ 21%. Bình Dương đã bứt phá vươn lên trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trong cả nước; riêng đầu tư nước ngoài, đến tháng 3/2022 đạt trên 39 tỷ USD. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại. Tốc độ đô thị hóa nhanh, đạt trên 82%. Bốn năm gần đây, diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong 21 cộng đồng có chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng nhờ vào tư tưởng nhạy bén và những quyết sách mang tính đột phá của Đảng bộ tỉnh Sông Bé (cũ), các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã năng động, sáng tạo triển khai chủ trương "Trải thảm đỏ thu hút đầu tư" và "Trải chiếu hoa mời gọi nhân tài" tạo nền tảng huy động các nguồn lực, đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến xây dựng Bình Dương. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh từ tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới; là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, thành tựu có được cũng nhờ có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương; sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đánh giá cao các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả, doanh nhân, nhà quản lý trong và ngoài nước có những công trình nghiên cứu, bài viết với những góc nhìn đa chiều để tham gia tổng kết thực tiễn phát triển của Bình Dương trong 25 năm qua; rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu và góp phần định hình cho con đường phát triển của Bình Dương trong giai đoạn mới. Với sự chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc và bài bản, hội thảo sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp, tiếp tục động viên, cổ vũ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Dương vượt qua khó khăn, thách thức, biến "nguy" thành "cơ", để tiếp tục ổn định tình hình, quyết tâm thực hiện thành công khát vọng xây dựng Bình Dương sớm trở thành Thành phố thông minh, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Sẵn sàng cuộc đua mới

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, mô hình phát triển của Bình Dương cần tổng kết sớm hơn để nhân rộng ra các tỉnh khác học tập.

Theo ông Trần Đình Thiên, Bình Dương có điểm xuất phát thuần nông, nghèo, với điều kiện phát triển hết sức khó khăn, nhưng đến nay trở thành tỉnh đi đầu “công nghiệp hóa – hiện đại hóa”, đang sẵn sàng gia nhập cuộc đua lên nấc thang phát triển cao, hiện đại hơn và sẵn sàng vươn ra thế giới. Tỉnh có thay đổi quan trọng là xây dựng khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) kiểu mới, hiện đại và thông minh. Đây là sáng kiến phát triển quan trọng có từ sự hợp tác Việt Nam – Singapore, được vận hành thực tế và sớm, được xác nhận là một hình mẫu thành công. Bên cạnh đó, Bình Dương đột phá cải cách xin cơ chế chứ không xin tiền. Đây là cơ chế "xin - cho" để thoát "xin - cho". Công thức phát triển này rất đơn giản, rõ ràng nhưng thực sự là một bước tiến có ý nghĩa lịch sử. Bình Dương đã hình hành mô hình khu công nghiệp thế hệ thứ 3 như Khu công nghiệp VSIP3 hướng đến phát triển xanh, thông minh và sáng tạo. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, những thay đổi này của Bình Dương là đột phá đúng nghĩa trong quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, hội thảo khoa học này cho thấy Bình Dương chứng minh được giá trị là một tỉnh “công nghiệp hóa” đi đầu cả nước, là hình mẫu phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Trần Du Lịch, hiện Bình Dương không thể phát triển lên cao và tự đứng, đi một mình, mà muốn đi xa phải đi cùng nhau. Theo đó, cần có cơ chế liên kết vùng để tạo ra một cộng đồng phát triển năng động nhất của cả nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Bình Dương cần thực hiện ngay việc xây dựng, kết nối đường vành đai 3 và 4 với Thành phố Hồ Chí Minh, đẩy nhanh xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, để tạo ra đường băng cho cuộc đua giúp Bình Dương tăng tốc phát triển.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết, những đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học  trong hội thảo gợi ý về những tầm nhìn xa, trách nhiệm to lớn trước lợi ích, tương lai của nhân dân Bình Dương. Đây cũng là tiền đề để tỉnh tiếp tục hành trình hướng ra biển lớn, xây dựng Bình Dương ngày càng giàu mạnh, phát triển và bền vững hơn.

Hướng đến nền kinh tế xanh, thông minh

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã công bố thông điệp tỉnh quyết tâm hiện thực hóa trên cơ sở vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách; lĩnh hội, ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại; tìm kiếm sự cộng hưởng, đồng hành từ các tỉnh, thành bạn, các quốc gia và vùng lãnh thổ để tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, phấn đấu thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi thăm và làm việc với Bình Dương về xây dựng “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo đó, mục tiêu của Bình Dương trong những năm tới là trở thành trung tâm, động lực liên kết vùng, tiếp tục là hình mẫu địa phương tiên phong trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, cùng với cả nước hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chí Tưởng

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm