Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn được thành lập năm 2013, với 22.500 ha thuộc địa bàn xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định.
Khu bảo tồn này giáp ranh với các xã vùng cao của hai huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và một số huyện miền núi hai tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai. Ngoài các tuyến đường liên xã, liên huyện, nơi đây còn có nhiều lối mòn ra vào rừng. Do vậy, công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã bố trí 20 cán bộ túc trực 24/24 giờ tại 3 trạm và 3 chốt để giữ rừng. Lực lượng này cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.
Anh Hồ Thanh Phong, cán bộ bảo vệ rừng tại chốt Suối Phèn (Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn) cho biết, dù ngày nghỉ hay ban đêm đều có cán bộ trực tại chốt để kiểm tra người, phương tiện ra vào địa phận Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Người dân vào rừng được cán bộ nhắc nhở, tuyên truyền phổ biến các quy định về bảo vệ rừng.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Trạm bảo vệ rừng An Toàn 1 (Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn), vào mùa khô, những cánh rừng tại khu vực giáp ranh khu dân cư có nguy cơ cháy cao nên cán bộ trạm thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ngoài ra, cán bộ bảo vệ rừng thường xuyên nhắc nhở người dân khi đi lấy mật ong rừng không được dùng lửa để đốt... Bên cạnh đó, cán bộ bảo vệ rừng tuyên truyền và ký cam kết với người dân không săn bắn động vật hoang dã, quý hiếm.
Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã ký phương án phối hợp bảo vệ rừng với các chủ rừng vùng giáp ranh; xây dựng các tổ, đội bảo vệ rừng tại địa phương để tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân sinh sống trên địa phận Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn.
Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã giao khoán bảo vệ rừng cho trên 230 hộ dân xã An Toàn với 7.500 ha, số tiền 300.000 - 400.000 đồng/ha/hộ/năm, qua đó phát huy được vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng.
Hộ anh Đinh Văn Kem, ở thôn 1, xã An Toàn được giao khoán bảo vệ 60 ha rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Có nguồn thu nhập, anh Kem rất phấn khởi, đồng thời luôn nâng cao trách nhiệm để bảo vệ diện tích rừng được giao.
Anh Kem cho biết: Gia đình anh phát dọn rừng hai lần/năm. Hàng tháng, anh đi kiểm tra khu vực rừng được giao khoán. Khi phát hiện có người lạ vào rừng hay các hành vi xâm hại rừng, anh kịp thời ngăn chặn và báo cáo Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn để xử lý.
Theo ông Khiếu Đức Thịnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư đã nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng. Do đó, diện tích rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn được kiểm soát và bảo vệ.
“Quan trọng nhất là tác động của người dân vào Khu bảo tồn thiên nhiên đã giảm, góp phần giữ môi trường sống ổn định cho các động thực vật trong rừng. Chủng loại và số lượng các loại gỗ quý hiếm cũng được bảo vệ tốt”, ông Thịnh nói.
Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có nhiều loài động vật cần được bảo vệ như chà vá chân xám, vượn đen má vàng, nai, mang, gà lôi vằn, trĩ sao... và nhiều loại gỗ thuộc nhóm quý hiếm như trắc, gõ, hương... Khu bảo tồn có cảnh quan thiên nhiên còn nguyên sơ. Do vậy, nơi đây cần được bảo vệ trước những tác động tiêu cực của con người mà vai trò quan trọng nhất chính là người dân địa phương.
Tường Quân